Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Câu chuyện của những người lính trở về từ chiến trường

21:40, Thứ Hai, 29-8-2022

Như đã trở thành cái hẹn trong tiềm thức của mỗi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước, Thành Cổ Quảng Trị là nơi “ hội tụ” của tri ân, của những miền ký ức không thể nào quên. Những nén hương thơm, những nhành hoa sắc thắm thành kính dâng lên các anh hùng liệt sỹ. Những câu chuyện của những người lính trở về từ chiến trường Thành Cổ Quảng Trị càng minh chứng sống động hơn cho sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đầy kiêu hãnh và hào hùng.

AHLLVT Mai Ngọc Thoảng ( ngồi đầu bên trái) cùng các đồng chí, đồng đội chia sẻ về những kỷ niệm của cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, thị xã Quảng Trị trở thành điểm hẹn tri ân của đông đảo đồng bào và chiến sỹ cả nước. Đất thiêng Thành Cổ đã đi vào tâm thức của muôn người. Họ về đây để dâng một nén hương thơm, một cành hoa sắc thắm, một ngọn nến trên sông để nhớ về đồng đội và gởi vào dòng sông một ước nguyện hòa bình.
Một buổi chiều tham gia cùng Đoàn Cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, Bộ đội địa phương – Những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Thành Cổ Quảng Trị đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên mảnh đất Thành Cổ, thị xã Quảng Trị. Những tình cảm nhớ thương, tri ân các đồng chí, đồng đội được các cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 Tam Đảo gửi qua những nén hương thơm, qua những câu chuyện, qua những bài ca, tiếng hát.
50 năm đã trôi qua, dù những mái đầu đã bạc, nhưng những ký ức về cuộc chiến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của CCB Tiểu đoàn K3, Tam Đảo.
Tại địa điểm lưu niệm Hầm Sở chỉ huy Tiểu đoàn 3 ( K3 Tam Đảo) Bộ đội địa phương tỉnh đội Quảng Trị, nơi 11 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn trong lúc đang làm nhiệm vụ trực chỉ huy, chiến đấu bị bom Mỹ đánh sập hầm đã anh dũng hy sinh đã diễn ra cuộc hội ngộ đầy xúc động của tình đồng chí, đồng đội. Các cựu chiến binh của Tiểu đoàn đã cùng chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm của một thời khói lửa chiến tranh đầy ác liệt, nhưng hào hùng.
Khẩu khí hành động “ K3 Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn” luôn được các cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 Tam Đảo nhắc mãi trong từng kỷ niệm về 81 ngày đêm chiến đấu giữ Thành.
Anh hùng lực lượng vũ trang Hán Duy Long, Cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 Tam Đảo xúc động nói: “ Tối 9/7 và sáng 10/7/1972, Tiểu Đoàn 3, K3 Tam Đảo vượt sông Thạch Hãn vào chốt bên trong Thành Cổ Quảng Trị. Đại đội 9 chúng tôi được phân công nhiệm vụ chốt giữ phía Đông Nam Thành Cổ. Ngày 11/7, chúng tôi bắt đầu đánh trận đầu tiên và ngay trong ngày, Trung đội đã có 3 đồng chí hy sinh. Trong quá trình suốt 81 ngày đêm chiến đấu liên tục, sự kiện đáng nhớ nhất của chúng tôi, đó là sự kiện ngày 3/8/1972, một quả bom dù nổ vào đúng Sở chỉ huy Tiều đoàn 3 đã làm 11 đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí Lê Binh Chủng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn. Khi biết tin như vậy không hề làm chúng tôi nhụt chí, mà chúng tôi càng căm phẫn, và động lực để chúng tôi, mỗi người nhắc nhau, dù khó khăn gian khổ, ác liệt nhưng vẫn giữ và thực hiện lời hứa “ K3 Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn”.
Bầu trời Quảng Trị thời điểm đó suốt ngày và đêm khói đạn dày đặc, rất ác liệt, nhưng cán bộ chiến sỹ chúng tôi vẫn bám trụ, quyết tâm đánh giặc, không quản ngại hy sinh.
Cho đến ngày nhận lệnh rút khỏi Thành Cổ Quảng Trị ngày 16/9, cả Tiểu đoàn chúng tôi lúc đó chỉ còn lại khoảng 16 đồng chí, vượt sông hoàn thành nhiệm vụ.”
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, Tiểu đoàn K3 Tam Đảo chia sẻ thêm: “ Sáng 10/7, Tiểu đoàn chúng tôi vượt sông Thạch Hãn tiến vào Thành Cổ Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, lời hứa với Tư lệnh “ K3 Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn”  trở thành lời thề danh dự cho tiểu đoàn chúng tôi. Hết người này ngã xuống thì người khác xông lên.
Thành Cổ Quảng Trị là một chiến trường hết sức tàn khóc, ác liệt. Lượng bom đạn đã dội xuống Thành Cổ Quảng Trị bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử đánh Hirosima Nhật Bản. Tức là mỗi chiều có khoảng 500m thôi, có ngày phải hứng chịu từ 24.000 đến 30.000 quả đạn đại bác các loại đánh vào Thành Cổ Quảng Trị này. Nhiều lúc, chúng tôi thấy đồng chí, đồng đội bị bom đánh bị thương đấy, vẫn còn sống, nhưng chúng tôi không thể rời khỏi hầm để mang đồng chí, đồng đội vào được.”
Trong ký ức của những chiến sỹ Thành Cổ, sông Thạch Hãn và Thành Cổ Quảng Trị là hai địa điểm ghi lại nhiều kỷ niệm, nhiều chiến công hiển hách  không thể nào quên trong tâm thức của họ.

Xuôi dòng Thạch Hãn, thả hoa tri ân các đồng chí, đồng đội đã nằm lại vĩnh viễn trên dòng sông linh thiêng, huyền thoại này, Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Ngọc Thoảng, người được mệnh danh là “con chim đầu đàn” trên mặt trận thông tin trong trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 bồi hồi nhớ lại: “ Tôi có rất nhiều câu chuyện, nhưng tôi nhớ nhất câu chuyện ngày 13/7/1972. Lúc đó, địch đánh phá liên tục trên dòng sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị, hòng chiếm lại Thành Cổ Quảng Trị.  Khi trận địa diễn ra ác liệt nhất thì thông tin – mạch máu chỉ huy quan trọng  liên lạc bị đứt quãng, làm mọi người mất phương hướng. Sau khi xác định, đường dây thông tin bị đứt tại sông Thạch Hãn do địch đánh phá liên tục, nên ngay trong sáng ngày 13/7, tiểu đội các bác đã cử 3 đồng chí nhận nhiệm vụ  nối lại đường dây thông tin, thì cả 3 đồng chí đều hy sinh trên sông Thạch Hãn. Người này hy sinh, thì người khác tiếp nhận nhiệm vụ không thể để mất “ mạch máu chỉ huy” được. Thế là tôi được giao nhiệm vụ nối lại đường dây thông tin bị đứt tại sông Thạch Hãn. Lúc đó, tôi phải bơi sang bên kia sông để lần tìm một đầu dây bên kia, bên này thì một đồng đội cầm một đầu dây liên lạc, cả hai cùng bơi để gặp nhau giữa sông đồng chí trao lại cho tôi đường dây đó. Nhưng lúc đó, địch thì bắn phá liên tục, nước sông thì lớn, nên tôi không thể nào nối lại đường dây lại được. Không còn cách nào khác, bằng mọi cách phải nối lại được đường dây liên lạc, mặc cho mưa bom bão đạn, tôi đã nghĩ ra cách dùng hàm răng để cắn nối hai đầu dây lại, hai tay bơi để giữ thăng bằng. Khi tôi dùng răng cắn hai đầu dây lại  thì trong bờ quay lại tín hiệu báo đường dây đã được thông để cho liên lạc.
Và tôi cứ giữ nguyên tư thế đó trong gần 30 phút. Lúc đó, người mình như cột điện ở giữa dòng sông vậy. Từng đợt bom của địch rải xuống kèm theo sóng điện làm tôi ngất lịm đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thấy mình đang ở trên bờ, đồng đội vây xung quanh.”
Chiến tranh đã qua đi. Những câu chuyện của cuộc chiến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ vẫn vang mãi bản hùng ca trong lòng dân tộc. Những câu chuyện đó sẽ là hành trang, là động lực để thế hệ trẻ hôm nay biết trân quý, gìn giữ và phát huy những thành quả mà cha ông ta đã viết nên bằng máu, bằng mồ hôi và nước mắt để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh.

Bài, ảnh: Ngọc Lan

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay232
  • Tổng lượt truy cập1.826.236