Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Diễn văn Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ

7:57, Thứ Ba, 19-7-2022

Nằm giữa lòng đất mẹ tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị giữ vị trí trọng yếu trong thế địa chính trị của đất nước, chứng kiến những cuộc thử lửa, đối đầu và đổi thay của lịch sử. Với hơn 210 năm lỵ sở và gần 170 năm là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị, truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng của mảnh đất này là mạch nguồn nuôi dưỡng niềm tin, làm nên những bản hùng ca trong hành trình mở cõi của tiền nhân và đấu tranh giành độc lập tự do của Nhân dân ta sau này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thị xã Quảng Trị là một chiến trường nóng bỏng. Nơi đây đã diễn ra cuộc đối đầu khốc liệt giữa ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của dân tộc ta với mưu đồ xâm lược của kẻ thù hung bạo...

DIỄN VĂN  
Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ  75 năm
ngày Thương binh Liệt sĩ  

Văn Ngọc Lãm, TUV, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND

Kính thưa đồng chí Lê Quang Tùng, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và thị xã;

Kính thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý cùng các đồng chí, đồng bào;

Hôm nay, trên mảnh đất Thành Cổ anh hùng, trong niềm tự hào và tri ân sâu sắc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Quảng Trị long trọng tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ 28/6 - 16/9 (1972-2022) và 75 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 (1947-2022).

Thay mặt Thị ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN thị xã Quảng Trị, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Quân khu IV; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và thị xã; các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; các tướng lĩnh, đại diện các Ban liên lạc và các đơn vị quân đội tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị trực thuộc tỉnh; lãnh đạo các huyện, quận, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh; các chức sắc tôn giáo, các cơ quan thông tấn báo chí, đại diện các gia đình có công tiêu biểu, các đại biểu khách quý…đã về dự buổi kỷ niệm trọng thể này. Kính chúc quý vị đại biểu cùng các đồng chí sức khoẻ hạnh phúc và thành công!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Nằm giữa lòng đất mẹ tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị giữ vị trí trọng yếu trong thế địa chính trị của đất nước, chứng kiến những cuộc thử lửa, đối đầu và đổi thay của lịch sử. Với hơn 210 năm lỵ sở và gần 170 năm là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị, truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng của mảnh đất này là mạch nguồn nuôi dưỡng niềm tin, làm nên những bản hùng ca trong hành trình mở cõi của tiền nhân và đấu tranh giành độc lập tự do của Nhân dân ta sau này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thị xã Quảng Trị là một chiến trường nóng bỏng. Nơi đây đã diễn ra cuộc đối đầu khốc liệt giữa ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của dân tộc ta với mưu đồ xâm lược của kẻ thù hung bạo.

Năm 1972, thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương, được sự chi viện đắc lực và nòng cốt của các quân đoàn chủ lực, quân và dân Quảng Trị đã chớp lấy thời cơ, nhất loạt dũng mãnh tiến công, ào ào xốc tới phá tung sào huyệt của địch. 5 giờ sáng 27/4/1972, bão lửa căm thù và ý chí sắt đá của quân và dân ta đã bùng lên, dội xuống đầu thù những đòn sấm sét, toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch bị đập nát, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Thừa thắng xông lên, các sư đoàn chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích ồ ạt tấn công; các cứ điểm của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị bị rung chuyển bởi đạn pháo từ các cánh quân chủ lực của quân giải phóng. Bằng sự hợp đồng mưu trí, chiến đấu ngoan cường, anh dũng của ba thứ quân và lực lượng chính trị tại chỗ, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi. Ngày 1/5/1972, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc toà nhà hành chính ngụy, thị xã Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng.

Thất thủ tại Quảng Trị, Mỹ - ngụy điên cuồng huy động một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, nhiều sư đoàn mạnh nhất; tập trung mọi hỏa lực cả không quân và hải quân ngăn chặn đà tiến công của quân giải phóng vào miền Nam bằng cuộc phản công đánh chiếm lại Quảng Trị với cuộc hành quân mang mật danh "Lam Sơn 72", hòng mưu đồ tạo ra tiếng vang giả tạo để thúc đẩy quân nguỵ tiến lên, đồng thời có cơ sở để mặc cả với ta trên bàn đàm phán ở hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Một lần nữa, lịch sử lại chọn mảnh đất này làm mục tiêu trọng yếu, nơi thử lửa đối đầu trực tiếp giữa ta và địch; nơi hiện thân khát vọng hòa bình cháy bỏng của quân và dân ta với dã tâm của kẻ thù xâm lược và những phương tiện, vũ khí hiện đại nhất trong lịch sử chiến tranh.

"Hễ có Việt Nam, có Cổ Thành;

Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh;

Huân chương khó đủ từng viên gạch;

Tấc đất từng giây, mỗi là cành".

Những vần thơ của cố học giả, nhà chính trị lão thành Trần Bạch Đằng không những cho thấy tầm quan trọng của cuộc chiến, mà còn là sự khốc liệt của chiến tranh và sự tàn bạo của quân thù trên chiến trường Thành cổ - Quảng Trị. Trong những tháng ngày khốc liệt ấy, mỗi ngày Mỹ - ngụy huy động hơn 100 lần máy bay B52, hơn 200 lần máy bay phản lực chiến đấu, 20 tàu chiến khu trục và tuần dương hạm để dội bom, nã pháo huỷ diệt thị xã Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến ngày 16/9 của mùa hè đỏ lửa năm 1972, Thành Cổ và thị xã Quảng Trị phải oằn mình hứng 328 nghìn tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945; trung bình mỗi chiến sỹ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 đạn pháo của địch.

Âm mưu và bom đạn của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí của đồng bào, chiến sĩ. Với lòng quả cảm và ý chí “gang thép”, các chiến sĩ dù phải chịu đựng sự ác liệt chưa từng có của chiến tranh, vẫn bám trụ kiên cường trong từng trận địa; quyết bảo vệ Thành Cổ, bảo vệ thị xã Quảng Trị đến hơi thở cuối cùng với lời thề: "Quang Sơn còn, Quảng Trị còn; K3 Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn và nhiều lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. 81 ngày đêm trong mưa bom bão đạn, quân và dân ta đã tiêu diệt 02 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.400 tên, bắt sống 71 tên; đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hủy 349 xe quân sự, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại.

Đánh giá sự kiện này, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ rõ: “Chúng ta chịu được không phải chúng ta gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng; mà chính chúng ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Tròn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng ký ức của một thời hoa lửa hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của quân và dân Quảng Trị cùng đồng bào chiến sĩ cả nước. Đó là hình ảnh những cán bộ đảng viên hoạt động nội tuyến đã diệt tề trừ gian, tổ chức cho Nhân dân đấu tranh đòi địch phải bán lương thực, thực phẩm và cứu chữa cho những người bị thương do bom đạn Mỹ gây ra trong những ngày tháng Tư năm 1972, thu hút hàng vạn lượt người tham gia, kể cả ngụy quân ngụy quyền, làm cho nội bộ địch ở thị xã tỉnh lỵ càng thêm rối loạn trước giờ quân ta tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị; Là hình ảnh của chiến sĩ, đồng bào không quản hiểm nguy ngày đêm đào hầm hào công sự, tránh bom pháo hủy diệt của địch; Hình ảnh của dân quân du kích tiếp lương, tải đạn, khâu vá áo quần cho bộ đội; những chuyến đò ngang đưa bộ đội sang sông và đón các anh trở về trong vòng tay yêu thương đất mẹ Quảng Trị anh hùng.

Đó là hình ảnh những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi của miền Bắc ruột thịt nghe tiếng "Tổ quốc gọi tên mình" đã xếp bút nghiên, tạm biệt giảng đường đại học với bao mơ ước cháy bỏng của tuổi xuân xanh, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", xông pha vào chiến trường Quảng Trị và lập nên chiến công hiển hách; Là người chiến sĩ hòa mình vào sông sâu, dưới làn bom đạn dày đặc, lấy thân mình làm đoạn nối thông tin liên lạc phục vụ chiến trường; những người con ưu tú của dân tộc trước khi vượt sông Thạch Hãn, đã chuẩn bị cho buổi lễ truy điệu chính mình, gửi thư, khắc tên trên bảng tôn để đồng đội chôn cất, sẵn sàng và ung dung đi vào cõi chết vì lời thề thiêng liêng với Tổ quốc; Là hình ảnh những chiến sĩ chủ lực quân giải phóng với nhiều trận đánh, giành giật từng căn hầm, đoạn hào, góc thành, điểm chốt với địch, trong lằn ranh sinh tử vẫn rạng rỡ trên môi "nụ cười chiến thắng".

Chiến công Thành Cổ - Quảng Trị đã ghi vào lịch sử cách mạng Việt Nam chiến tích hào hùng đầy máu lửa, làm lay động lương tri loài người; là bản hùng ca về tinh thần quả cảm, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân dân Quảng Trị và cả nước, góp phần đánh bại Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh", chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký kết hiệp định Pari, rút quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam. Cùng với thắng lợi Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội và trên một số chiến trường khác, chiến thắng này đã tạo đà cho cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Để làm nên chiến công oanh liệt ấy, Nhân dân Quảng Trị phải chịu biết bao tổn thất, hy sinh; hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trên chiến trường; nhiều chiến sĩ đã hi sinh nhiều lần do bom đạn của xới lên, dập xuống; nhiều liệt sĩ không có nấm mồ riêng; hàng ngàn người mẹ, người chị, phải chịu cảnh goá bụa, đơn côi; hàng ngàn đồng chí, đồng bào suốt đời phải mang thương tật và

nhiễm chất độc da cam vì bom đạn của quân thù. Chiến công và máu xương của các anh hùng, liệt sỹ, của đồng chí, đồng bào đã hoà vào sông nước, ruộng đồng, tuyến phố, hàng cây để cho cuộc sống hôm nay đâm chồi, nảy lộc, cho Quảng Trị vượt lên ngang tầm với thời đại. Các anh chiến đấu, hi sinh không phải để trở thành anh hùng, mà chính là để cho các thể hệ nối tiếp được sống trong tự do và hòa bình, cho nhân loại sống còn và thức tỉnh. Các anh nằm xuống để tạc nên tượng đài của chí khí gan dạ kiên trung trong tiềm thức mỗi người, phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, lặng thầm dõi theo và nâng bước bao thế hệ con cháu mai sau. Sự hy sinh lớn lao của những người con bất khuất, trung kiên đã tô thắm thêm màu cờ cách mạng, làm rạng ngời truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của quê hương, đất nước. Lịch sử mãi tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên mảnh đất này, những linh hồn bất tử đã được khắc ghi vào hồn thiêng sông núi, để ngàn đời sau còn nhắc nhở:

Đò lên Thạch Hãn ơi! chèo nhẹ.

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước.

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm!

Kính thưa quý vị đại biểu cùng đồng chí, đồng bào.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh trong hoang tàn và đổ nát, với muôn vàn mất mát hi sinh, Đảng bộ và Nhân dân thị xã đã vượt lên muôn trùng khó khăn thử thách bước vào công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương trong ngôi nhà chung Triệu Hải và khi trở về với danh xưng rất đỗi thân thương của chính mình. Kế thừa truyền thống đoàn kết, khí phách anh hùng trong chiến đấu, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, thị xã đã vươn mình đứng dậy, không ngừng nỗ lực, đạt được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Từ một mảnh đất bị san phẳng, hủy diệt hoàn toàn, đến nay thị xã Quảng Trị thay đổi từng ngày, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa phía nam của tỉnh; nền kinh tế phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 90% trong cơ cấu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp phát triển. Chương trình Nông thôn mới được tập trung chỉ đạo hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021 đạt 60 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%.

Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn xã hội hoá đạt nhiều kết quả. Một số điểm nhấn kiến trúc và các khu đô thị mới được hình thành, góp phần thu hút cư dân và phát triển không gian đô thị. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển; điện chiếu sáng bao phủ đều khắp, thay thế cho đèn dầu và đường đất nắng bụi mưa lầy. Đôi bờ của dòng sông Thạch Hãn một thời lửa đạn đã được kết nối bằng những nhịp cầu hiện đại, không chỉ nối nhịp bờ vui, mà còn là chứng nhân của sự hồi sinh mãnh liệt trên mảnh đất bom cày đạn xới của một thời hoa lửa năm nào. Các di tích lịch sử văn hoá được trùng tu nâng cấp, các công trình tưởng niệm được xây dựng, vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đáp ứng yêu cầu tri ân của Nhân dân, vừa kết nối phát triển du lịch, đưa thị xã trở thành "điểm hẹn tâm linh" của đồng

bào, chiến sĩ cả nước trong hành trình "Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội".

Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, một số mặt cao hơn mặt bằng chung toàn tỉnh; nhiều học sinh của thị xã đạt giải kỳ thi sáng tạo trẻ quốc tế, quán quân, á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia và nhiều giải thưởng quốc gia khác. Văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, giá trị văn hoá truyền thống được phát huy; các giá trị mới về văn hóa và con người từng bước hình thành và khẳng định. Công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng, chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân được nâng lên. Lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách và đảm bảo an sinh xã hội thực hiện tốt. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện rõ nét.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, quyết định sự thành công của hành trình dựng xây và phát triển. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh xếp nhóm đầu của tỉnh. Dân chủ xã hội được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Quốc phòng - an ninh và được giữ vững.

Từ đau thương mà đứng dậy, nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước sự hi sinh vô bờ của bao lớp người đã ngã xuống, với nghĩa tình và đạo lý thiêng liêng, cán bộ và Nhân dân thị xã từng ngày chăm sóc hàng ngàn liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã và hai nghĩa trang không mộ chí Thành Cổ và sông Thạch Hãn. Nhân dân thị xã đón các Cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa như đón những người con đi xa trở về; sẵn sàng và đã đón hàng ngàn cựu chiến binh về nhà mình nghỉ ngơi, thay cho khách sạn đã hết phòng nghỉ. Nhà máy, trường học, phố xá hồi sinh bên chiến hào, ao sen hồng nở hoa trên hố bom ngày ấy. Thị xã Quảng Trị đã và đang khơi dậy mạch nguồn cảm xúc, nung nấu ý tưởng dựng xây quê hương trở thành đô thị vì Hòa Bình...Tất cả đều thấm đẫm máu, mồ hôi công sức của bao thế hệ; tất cả để viết tiếp bản hùng ca của hàng ngàn chiến sĩ đã từng cầm súng chiến đấu năm xưa, làm cho thị xã ngày một văn minh và hiện đại hơn, tạo dấu ấn về một đô thị trẻ trung đang hoà vào dòng chảy của thời đại, với đầy ắp khát vọng hòa bình và phát triển.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong chiến đấu và dựng xây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu AHLLVTND, Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai và các phần thưởng cao quý khác.

Trong tự hào của niềm vui chiến thắng và những thành tựu của quê hương sau 50 năm bước ra từ cuộc chiến, trong niềm tiếc thương vô hạn của mùa tri ân tháng Bảy, "không ai có quyền quên và được phép quên" sự hi sinh cao cả, những kỳ tích đầy máu và hoa của một thời lửa đạn. Hãy thắp nén tâm nhang của lòng thành kính và biết ơn dành cho các anh hùng liệt sĩ, hãy hướng lòng mình quay về nguồn cội, hòa trong âm hưởng thiêng liêng vọng mãi từ trang sử hào hùng.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Quảng Trị xin bày tỏ lòng biết ơn

sâu sắc sự quan tâm của Trung ương và các ban, bộ, ngành; của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN và lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; sự hướng dẫn, giúp đỡ chí tình của các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; sự quan tâm, phối hợp, sẻ chia của các huyện, quận, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh...đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh giúp thị xã vượt qua khó khăn để đi lên trên hành trình dựng xây và phát triển.

Mãi mãi tri ân sự hi sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ; các vị lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng cùng đồng chí, đồng bào cả tỉnh, cả nước đã sát cánh cùng quân và dân thị xã trong hành trình giải phóng, xây dựng quê hương. Với tấm lòng sâu nặng nghĩa tình, nhiều Ban liên lạc, cựu chiến binh đã dành những nghĩa cử, tình cảm đặc biệt cho thị xã, để Nhân dân thị xã mãi mãi không thể nào quên.

Xin tạc dạ ghi lòng những chiến công huyền thoại của các lực lượng vũ trang Nhân dân anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, những tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ các sư đoàn 304, 308, 325, 390; các Trung đoàn, Tiểu đoàn, các đơn vị bộ đội địa phương, cùng nhiều đơn vị khác...với trận chiến oai hùng lưu danh tên tuổi.

Xin dành những tình cảm đặc biệt đến Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng anh em đã chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh đánh đuổi quân thù và kiến thiết xây dựng quê hương.

Xin chân thành cám ơn lãnh đạo thị xã qua các thời kỳ; cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ doanh nhân, Nhân dân thị xã đã chung lưng đấu cật, đóng góp công lao xây dựng thị xã Quảng Trị ngày càng phát triển.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ, nhớ lời dạy của Bác năm xưa, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng bằng nhiều việc làm nhân ái. Tại buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này, lãnh đạo thị xã xin ghi nhận, biểu dương 30 người có công và gia đình cách mạng tiêu biểu.

Kính thưa các đồng chí và toàn thể đồng bào.

50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ trong tiến trình hơn hai thế kỷ đầy biến động thăng trầm của quê hương, những chiến công oanh liệt vẫn còn vang vọng, những giá trị văn hóa lịch sử hun đúc hình thành tự bao đời đã được thăng hoa, kết nên những thành tựu đáng tự hào. Truyền thống ấy, thành quả ấy là di sản vô cùng quý giá, nguồn cổ vũ động viên to lớn, là hành trang để Đảng bộ và Nhân dân thị xã Quảng Trị tiếp tục vững bước đi lên.

Thấm thía sâu sắc lời nhắn gửi tâm huyết của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Lê Quang Tùng tại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, rằng: Quá khứ vinh quang chỉ thật sự được trân trọng khi hiện tại và tương lai được tiếp nối một cách bền vững và ngày càng nở hoa, kết trái, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân thị xã

Quảng Trị quyết tâm biến truyền thống cách mạng anh hùng trở thành nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển; đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, củng cố, xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị thực sự vững mạnh để tập trung lãnh đạo, thực hiện các khâu đột phá về: phát triển du lịch, xây dựng đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là với người có công với cách mạng; Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng vào củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, đảm bảo ổn định trật tự an toàn xã hội...và chung sức chung lòng viết tiếp trang sử mới, xây dựng thị xã văn minh, nghĩa tình, thân thiện, từng bước hiện đại.

Tràn đầy niềm tin, nghị lực và khát vọng, Thị uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQ thị xã kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, doanh nhân thị xã Quảng Trị hãy đồng tâm hiệp lực, nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III, đô thị vì Hòa bình.

Đó cũng là quyết tâm chính trị, là lời hứa thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã trước anh linh của lớp lớp thế hệ đã hy sinh trên mảnh đất này; là khát khao cháy bỏng, là cam kết đầy trách nhiệm của chúng ta với tỉnh, với đồng bào, chiến sĩ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, quý vị đại biểu, đồng bào chiến sỹ sức khoẻ, hạnh phúc.

Xin trân trọng cám ơn.

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay660
  • Tổng lượt truy cập1.825.765