Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Học và làm theo Bác “Nói đi đôi với làm”

11:24, Thứ Ba, 22-3-2022

“Nói đi đôi với làm” được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động của mỗi người và là biểu hiện sinh động, cụ thể về sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi cá nhân.

Người nhấn mạnh: Thước đo của “Nói đi đôi với làm” là sự thể hiện bằng chính kết quả công việc, là biểu hiện ở sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của mỗi cán bộ, đảng viên trước nhân dân, nói để dân hiểu, làm để dân tin và làm theo, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. 

Vì vậy, nói đi đôi với làm là không được “Nói một đàng, làm một nẻo”, mà lời nói phải đi đôi với việc làm, nói được làm được sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo, chứ không phải “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Nghĩa là, khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Nói phải đi đôi với làm, nói trước, làm trước và đã nói là làm. Nói một đàng làm một nẻo là nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Chẳng hạn như: Nếu mình thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm mà tự mình xa xỉ lung tung thì có tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích. Người nói: “Nếu chính mình tham ô mà bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được…”. 

Hay như không hoàn thành nhiệm vụ, không gương mẫu, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta phải chống việc nói một đằng làm một nẻo, khi nói phải gắn với công việc, nhiệm vụ cụ thể, không nói chung chung, đại khái dẫn đến chung chung ai cũng nói được, nghe thì hay, nhưng không biết phải thực hiện như thế nào. Muốn vậy, phải thường xuyên đi sâu, đi sát, tăng cường kiểm tra đôn đốc kết quả thực hiện công việc được giao để làm thước đo đánh giá nói và làm của cán bộ. Nói đi đôi với làm là “đã hứa là làm”, lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” chính là hành động, hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. 

Tuy nhiên, trong xã hội ta hiện nay cho thấy, căn bệnh nói không đi đôi với làm còn tồn tại ở nhiều cấp, nhiều ngành. Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn chậm và lúng túng…Chưa thực sự coi trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc, thực hiện nói đi đôi với làm; tình trạng nói nhiều làm ít, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi”. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo, nói lấy được, nói với cấp trên khác, nói với cấp dưới khác và nói trước phủi sau… đang tồn tại ở một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên gây bức xúc trong xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân. 

Đặc biệt, đáng lo ngại là ở nhiều nơi, nhiều lúc hiện tượng nói không đi đôi với làm đã trở nên phổ biến trong khắp các đối tượng, các lĩnh vực, từ dưới lên trên, từ trong đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội…nhưng bản thân những người nói không đi đôi với làm và cả tổ chức đảng cũng như những người lãnh đạo vẫn coi là điều bình thường, chưa thấy đó là một sự vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, đảng viên. 

Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua đều nhận được sự bức xúc của nhân dân đối với những đại biểu hứa suông, hứa một đằng làm một nẻo. Tác hại của cái tệ nói không đi đôi với làm, theo suy nghĩ của nhiều cử tri, trước hết là thuộc về phẩm chất không trung thực, không tôn trọng nhân dân và kém ý thức về tổ chức kỷ luật, pháp luật. Tệ nạn quan liêu, tham ô, tham nhũng và các tiêu cực khác sở dĩ đấu tranh phòng chống kém hiệu quả và không ngăn chặn được, bởi còn nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp chưa tập trung quyết liệt chống tình trạng “Nói không đi đôi với làm”. 

Thiết nghĩ, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề năm 2014 là “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, là nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Vì vậy, cùng với nhiệm vụ tiếp tục lãnh đạo công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, thì việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong Đảng và toàn xã hội theo tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung vào nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm là sự cần thiết, giúp cho cán bộ, đảng viên có ý thức, thường xuyên liên hệ với công việc thường ngày, trong công tác, sinh hoạt của mình để thêm tận tuỵ, tâm huyết, trách nhiệm, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan; chống các biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm, lợi dụng chức trách, quyền hạn; những “bệnh” tham lam, lười biếng, háo danh, xây dựng lối sống thẳng thắn, trung thực, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng; tôn trọng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, làm cho nội bộ Đảng và tổ chức cơ sở đảng cũng như các cơ quan, đơn vị thực sự trong sạch vững mạnh. 

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUỐC THANH (theo Quảng Trị online)

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay397
  • Tổng lượt truy cập1.825.502