Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH TỪ NGÀY 01/3/2021. TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT THÁNG 03/2021

13:47, Thứ Năm, 24-3-2022

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC

THI HÀNH TỪ NGÀY 01/3/2021

         
  1.
 Ngày 15/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
            Theo đó, mỗi xe cơ giới chỉ được cấp 01 Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu bị mất thì chủ xe cơ giới phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm cấp lại. Thời hạn bảo hiểm đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy có thời hạn tối thiểu là 01 năm và tối đa là 03 năm. Đối với các loại xe cơ giới khác thì thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 01 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật.
            Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn thuộc phạm vi bồi thường như sau: bồi thường 70%  mức bảo hiểm theo quy định/người/vụ nếu tử vong; bồi thường 50% mức bảo hiểm theo quy định/người/năm nếu tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu. Trường hợp chưa xác định được vụ tại nạn thuộc phạm vi bồi thường thì các mức bồi thường trên lần lượt là 30% và 10%. Thời hạn yêu cầu bồi thường là 01 năm, tính từ ngày xảy ra tai nạn. Trong vòng 05 ngày, sau khi xảy ra tai nạn, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo về tai nạn cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Nghị định số 03/2021/NĐ-CPcó hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2021.
           2. Ngày 27/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025

Theo quy định, từ ngày 01/01/2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2016. Theo đó, hộ nghèo ở khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống. Đối với khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống. Giai đoạn 2022 - 2025, mức chuẩn hộ nghèo được nâng lên. Đối với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Đối với khu vực thành thị là 02 triệu đồng trở xuống và tiêu chí thiếu hụt như trường hợp ở khu vực nông thôn. Đối với mức chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 ở nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; thành thị là 02 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Nghị định số 07/2021/NĐ-CPcó hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2021.
3. Ngày 21/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo
Theo đó, tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015, Điều 10 quy định các chính sách về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo có hiệu lực từ ngày 05/9/2015 và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2020. Hiện nay, Thủ tướng quyết định bỏ nội dung “được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2020” tại Điều 10 Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg. Như vậy, các khoản vay của hộ mới thoát nghèo sẽ được tiếp tục thực hiện giải ngân theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg. Lưu ý: Hộ mới thoát nghèo là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hằng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo, được UBND cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.
Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 30/03/2021. 
4. Ngày 28/01/2021, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 170/2016/TT-BQP ngày 30/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức
Theo đó, Quân nhân chuyên nghiệp thuộc đối tượng kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều 8a Thông tư số 12/2021/TT-BQP được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ khi có đủ các điều kiện sau: Đơn vị có biên chế và nhu cầu sử dụng; hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; chưa có người thay thế; tự nguyện tiếp tục phục vụ tại ngũ; có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi; tay nghề cao; chất lượng, hiệu quả công tác tốt.
Thông tư số 12/2021/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2021.
5. Ngày 03/02/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng
Theo đó, hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với nội dung bồi dưỡng gồm một hoặc một số vấn đề sau đây: Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về công chứng và các quy định pháp luật có liên quan; kỹ năng hành nghề công chứng; kỹ năng giải quyết vấn đề vướng mắc trong quá trình hành nghề công chứng; kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng.
Thông tư số 01/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 26/3/2021.
6. Ngày 28/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệm vụ các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự
Theo đó, đối với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức dự thi nâng ngạch Thẩm tra viên cao cấp có sự thay đổi như sau: phải có thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên chính hoặc tương đương từ đủ 06 năm (đủ 72 tháng) trở lên, trong đó, thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng cũng được sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí sau: có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị; có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương .
Thông tư số 08/2020/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2021.
7. Ngày 14/01/2021, Bộ trưởng Bộ Công An, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 08/2021/TTLT-BQP-BCA-VKSNDTC quy định về phối hợp trong việc bắt, tạm giữ và kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển
Theo đó, quy định nội dung trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng như sau: kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ và hồ sơ quản lý tạm giữ; việc thực hiện chế độ quản lý tạm giữ, chế độ đối với người bị tạm giữ; việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những việc khác trong việc tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng theo quy định của pháp luật. Việc kiểm sát được thực hiện theo hình thức định kỳ và đột xuất, cụ thể: định kỳ một năm một lần, VKSND cấp huyện trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng trên địa bàn khi có hoạt động tạm giữ; VKSND cấp huyện trực tiếp kiểm sát đột xuất việc tạm giữ tại đồn Biên phòng khi người bị tạm giữ trốn, chết trong thời gian tạm giữ; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ hoặc khi xét thấy cần thiết.
Thông tư số 08/2021/TTLT-BQP-BCA-VKSNDTC có hiệu lực thi hành từ ngày 09/3/2021.
8. Ngày 12/11/2020, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH về việc ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Theo đó, Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bao gồm: Trước hết, trong nhóm nghề khai thác khoáng sản - Điều kiện lao động loại VI gồm: công việc khai thác mỏ hầm lò; công việc khai thác quặng kim loại màu bằng phương pháp hầm lò (nơi làm việc chật hẹp, thiếu dưỡng khí, công việc thủ công, rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của bụi, ồn, CO2). Tiếp theo, trong nhóm nghề cơ khí, luyện kim - Điều kiện lao động loại V: công việc sửa chữa nóng lò cốc (công việc thủ công nặng nhọc, rất nóng, nguy hiểm tiếp xúc với khí CO, bụi); lái xe rót than trên đỉnh lò cốc (làm việc trên đỉnh lò rất nóng, nguy hiểm chịu tác động của CO2 và CO và bụi nồng độ rất cao); vận hành máy nghiền, trộn quặng kim loại màu (chịu tác động của tiếng ồn cao, bụi độc vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép nhiều lần);…Bên cạnh đó, Thông tư cũng ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong nhóm nghề hóa chất; vận tải; xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi; sành sứ, thủy tinh, nhựa tạp phẩm, giấy, gỗ; thương mại; dự trữ quốc gia;…
Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXHcó hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2021.
9. Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Cụ thể, Thông tư số 30/2020/TT-BYT quy định 08 trường hợp khám chữa bệnh (KCB) BHYT đúng tuyến bao gồm: (1) Đến KCB đúng cơ sở KCB  ban đầu ghi trên thẻ BHYT. (2) Thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện đi KCB tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh. Trường hợp trẻ em chưa có thẻ BHYT do chưa làm thủ tục khai sinh được sử dụng giấy chứng sinh đi KCB. (3) Đi cấp cứu. (4) Được chuyển tuyến KCB BHYT theo quy định, bao gồm: được chuyển tuyến theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015; được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018; được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 04/2016/TT-BYT ngày 26/2/2016. (5) Có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và KCB ban đầu tại cơ sở KCB cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT. (6) Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến. (7) Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể. (8) Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.
Thông tư số 30/2020/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2021.
10. Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ y tế đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư số 05/2015/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ y tế ban hành Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT
Theo đó, trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) mua dược liệu để chế biến, bào chế vị thuốc, quỹ BHYT thanh toán chi phí dược liệu theo giá mua vào của cơ sở KCB và các chi phí sau: chi phí hao hụt trong chế biến, bảo quản, cân chia (nếu có); chi phí phụ liệu làm thuốc; chi phí chế biến, bào chế bao gồm điện, nước, nhiên liệu; chi phí bao bì đóng gói (nếu có); chi phí nhân công thực hiện; chi phí quản lý và chi phí khấu hao máy móc. Nếu mua vị thuốc từ các đơn vị cung ứng, quỹ BHYT thanh toán theo giá vị thuốc mua vào của vị thuốc và chi phí hao hụt trong bảo quản, cân chia (nếu có). Trường hợp có các chi phí phát sinh ngoài quy định trên, cơ sở KCB lập bản thuyết minh chi tiết để thống nhất với cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT làm căn cứ thanh toán.
Thông tư số 27/2020/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2021.
11. Ngày 02/02/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức là giáo viên các cấp
Cụ thể, viên chức là giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP như sau:
Đối với Giáo viên mầm non: Hạng I, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ 4,0 đến 6,38); Hạng II, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ 2,34 đến 4,98); Hạng III, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ 2,10 đến 4,89).
Đối với Giáo viên tiểu học: Hạng III, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ 2,34 đến 4,98); Hạng II, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ 4,00 đến 6,38); Hạng I, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ 4,40 đến 6,78).
Đối với Giáo viên THCS: Hạng III, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ 2,34 đến 4,98); Hạng II, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ 4,00 đến 6,38); Hạng I, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ 4,4 đến 6,78).
Đối với Giáo viên THPT: Hạng III, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ 2,34 đến 4,98); Hạng II, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ 4,0 đến 6,38); Hạng I, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ 4,40 đến 6,78).
Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐTcùng có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2021.
12. Ngày 22/01/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế 2019 đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu
Theo đó, các trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải khai thuế theo từng lần phát sinh bao gồm: mặt hàng điện năng xuất, nhập khẩu theo quy định tại Điều 93 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa bán trong khu vực cách ly tại các sân bay quốc tế (trừ hàng bán miễn thuế) theo quy định tại Điều 93 Thông tư số 38/2015/TT-BTC; hàng hóa cung cấp cho hành khách trên các chuyến bay tuyến quốc tế theo quy định tại Điều 93 Thông tư số 38/2015/TT-BTC; xăng, dầu cung ứng cho tàu bay xuất cảnh theo quy định tại Điều 93 Thông tư số 38/2015/TT-BTC; các trường hợp hàng hóa xuất, nhập khẩu tại chỗ thực hiện việc giao nhận hàng hóa nhiều lần trong ngày hoặc trong tháng theo quy định tại Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Thông tư số 06/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 08/3/2021.
13. Ngày 22/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
Theo đó, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP tăng mức phạt tiền lên đến 10 triệu đồng (quy định cũ tối đa 08 triệu đồng) đối với một trong các hành vi sau: sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi không công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị; phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người vi phạm buộc phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai.
Nghị định số 04/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/3/2021 và làm hết hiệu lực Nghị định số 138/2013/NĐ-CP
14. Ngày 25/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2021/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
Theo đó, thời hạn lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay được quy định như sau: Thời hạn xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay là không quá 03 tháng; thời hạn này sẽ không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cảng hàng không, sân bay. Thời hạn lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay theo nhiệm vụ lập quy hoạch được duyệt; thời hạn này không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không, sân bay. Đồng thời, Nghị định quy định căn cứ xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay như sau: quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh có liên quan, bảo đảm: phù hợp với các quy hoạch cao hơn; phù hợp với quy hoạch chung đô thị trong trường hợp vị trí xây dựng cảng hàng không, sân bay năm trong phạm vi ranh giới hành chính đô thị; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước.
Nghị định số 05/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2021.
15. Ngày 28/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP về quản lý hoạt động đường thủy nội địa
Theo đó, luồng đường thủy nội địa được phân thành ba loại, gồm: (1) Luồng đường thủy nội địa quốc gia là luồng đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: đi qua hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên có vai trò quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia; Luồng trong địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nối trực tiếp với tuyến vận tải ven biển hoặc nối trực tiếp với hai luồng quốc gia (điều kiện 1); Luồng qua biên giới hoặc trên biên giới (điều kiện 2). (2) Luồng đường thủy nội địa địa phương là luồng thuộc phạm vi địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ các trường hợp luồng tại điều kiện 1 và 2 nêu trên. (3) Luồng chuyên dùng là luồng nối vùng nước cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng với luồng quốc gia hoặc luồng địa phương.
Nghị định số 08/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2021.
16. Ngày 10/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển
Theo đó, khung giá thu tiền sử dụng khu vực biển đối với các hoạt động sử dụng khu vực biển phải nộp tiền sử dụng như sau: sử dụng khu vực biển để nhận chìm từ 15.000 đồng/m³ đến 20.000 đồng/m³; làm cảng biển và bến, công trình phụ trợ, công trình du lịch và khai thác dầu khí, khoáng sản… từ 6.500.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm; xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác từ 6.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm; xây dựng hệ thống đường ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện từ 5.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng cá từ 4.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm; khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác từ 3.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm. Căn cứ khung giá nêu trên, 05 năm một lần: Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành giá cụ thể với khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên & Môi trường. UBND cấp tỉnh ban hành giá cụ thể với khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của UBND cấp tỉnh.
Nghị định số 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/3/2021.

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay1954
  • Tổng lượt truy cập2.116.942