Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

14:5, Thứ Năm, 24-3-2022

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

Ngày 28/9/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính tronng lĩnh vực y tế. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 thay thế  Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:
- Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS
- Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh
- Vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm
- Vi phạm các quy định về trang thiết bị y tế
- Vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế
- Vi phạm các quy định về dân số.
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
"1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
3. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức.
4. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
6. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân."
Tăng mức phạt với người trốn cách ly từ 15/11/2020
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Riêng đối với hành vi "Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu" bị phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Như vậy, mức phạt của Nghị định mới đã tăng đáng kể so với quy định Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP còn quy định xử phạt một số hành vi như: Đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp (Điều 5); che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân (Điều 7); không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế (Điều 10); không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch (Điều 12);…
Xử lý nghiêm các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia
Điều 30 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia có thể áp dụng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Người nào có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; hoặc ép buộc người khác uống rượu bia.
Phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh
Từ ngày 15/11/2020, các hành vi: Ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh; hoặc sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh;… sẽ bị áp dụng hình phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (theo khoản 5 Điều 38 Nghị định số số 117/2020/NĐ-CP).
Đáng chú ý, Nghị định này cũng quy định hình phạt cho hành vi cung cấp tên tuổi, địa chỉ hoặc hình ảnh của người cho tinh trùng, người nhận tinh trùng, nhận phôi hoặc hành vi sử dụng tinh trùng, noãn của một người cho để dùng cho từ hai người trở lên (trừ trường hợp không sinh con thành công),… có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Như vậy, nếu cơ sở y tế thực hiện tiếp nhận tinh trùng, phôi cung cấp thông tin của người cho hoặc người nhận sẽ bị xử lý theo mức phạt mới này.
Nghiêm cấm hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi
Điều 98 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi, hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi sẽ áp dụng hình thức phạt tiền, tùy từng hành vi, mà mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Đồng thời, những hành vi ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn (kể cả dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần) cũng là hành vi vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi theo Điều 99 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Hoặc hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng theo Điều 100 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.
Ép phụ nữ cố sinh thêm con trai bị phạt đến 10 triệu đồng
Theo đó, Điều 101 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền đối với các hành vi ép buộc người khác mang thai, sinh thêm con cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc ép buộc người khác phải mang thai, phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái.
- Phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 10 triệu đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc ép buộc người khác phải mang thai, phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái.

 

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay118
  • Tổng lượt truy cập1.805.336