Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 04/2023 - MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NĂM 2022
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2022 (Luật số 10/2022/QH15), Luật gồm 06 Chương 91 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023 và thay thế Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2022 (Luật số 10/2022/QH15), Luật gồm 06 Chương 91 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023 và thay thế Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được xây dựng nhằm mục đích hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
1. Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Điều 3 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định phải đảm bảo những nguyên tắc như sau:
1. Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3. Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.
4. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
5. Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.
6. Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
2. Về quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, Điều 5 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định như sau:
1. Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.
2. Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
4. Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Về nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, Điều 6 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định như sau:
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.
4. Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
5. Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Và các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định tại Điều 9 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022, bao gồm:
Điều 9 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:
1. Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở
2. Bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức.
5. Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.
4. Những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai
Điều 11 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai như sau:
Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp xã phải công khai các nội dung sau đây:
1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã và kết quả thực hiện;
2. Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách cấp xã định kỳ theo quý, 06 tháng, hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có);
3. Dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã; kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do cấp xã quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng xã và điểm dân cư nông thôn; quy hoạch chung được lập cho thị trấn, đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được lập cho các khu vực thuộc phạm vi thị trấn;
4. Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã;
5. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã; các khoản huy động Nhân dân đóng góp;
6. Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã;
7. Chủ trương, chính sách, kế hoạch, tiêu chí, đối tượng, quy trình bình xét và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp, tín dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác được tổ chức triển khai trên địa bàn cấp xã;
8. Thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn cấp xã;
9. Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã;
10. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã;
11. Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, nội dung lấy ý kiến, kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những nội dung chính quyền địa phương cấp xã đưa ra lấy ý kiến Nhân dân quy định tại Điều 25 của Luật này;
12. Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thu;
13. Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện;
14. Nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
5. Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định
Điều 25 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định những nội dung Nhân dân bàn và quyết định như sau:
1. Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.
2. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.
3. Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
4. Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
5. Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
6. Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.
4. Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định
Điều 15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định như sau: 1. Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành, nghề của cấp xã.
2. Dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
3. Chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân, tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án.
4. Dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, ghép cụm dân cư.
5. Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng.
6. Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
7. Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có).
8. Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
9. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật, quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần lấy ý kiến.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
- Một số quy định của Luật Trẻ em năm 2016 (16/06/2023)
- Một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới (16/06/2023)
- Một số quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 (16/06/2023)
- Giới thiệu Luật Thanh tra năm 2022 (10/03/2023)
- Giới thiệu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 (10/03/2023)
- Một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý (16/06/2023)
- V/V TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (Sửa đổi) (18/02/2023)
- TỪ NGÀY 01/01/2023, SỔ HỘ KHẨU HẾT GIÁ TRỊ SỬ DỤNG (16/01/2023)
- LOẠI PHÁO HOA NGƯỜI DÂN ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG NHÂN DỊP TẾT 2023 (16/01/2023)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 01/2023 (21/03/2024)
- Đang truy cập2
- Hôm nay901
- Tổng lượt truy cập1.886.165
- pageHolder.getStart() - 0
- pageHolder.getNumberObjects() - 3
- numberArticle - 3
- numberRelation - 0