Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Tài liệu giới thiệu Luật Giá số 16/2023/QH15

9:54, Thứ Tư, 17-7-2024

Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2023. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật này.

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT GIÁ 2023

Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2023. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật này.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT GIÁ 2023

Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII (sau đây gọi là Luật Giá năm 2012), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 thay thế Pháp lệnh Giá năm 2002 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế. Qua đó, tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, cùng với quá trình không ngừng đổi mới của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn vừa qua, cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong các quy định tại Luật Giá năm 2012 cũng như tại các Luật chuyên ngành có quy định liên quan đến lĩnh vực giá như: (i) Việc phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm định giá còn chưa rõ, thiếu đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực; (ii) Chồng chéo giữa các Luật chuyên ngành với Luật Giá năm 2012 trong việc quy định thêm một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; (iii) Các quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, phạm vi thực hiện và biện pháp bình ổn giá chưa thật sự linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; (iv) Các biện pháp điều tiết giá như hiệp thương giá, kê khai giá... khác cũng phát sinh những tồn tại, hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến khâu tổ chức thực hiện; (v) Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường chưa có quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động này nên chưa phát huy động được hết hiệu quả; (v) Việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá phát triển nóng về số lượng, một số doanh nghiệp và thẩm định viên về giá đã có những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp; (vi) Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước hiện cũng chưa rõ ràng trong phạm vi áp dụng, thẩm quyền thực hiện dẫn đến lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, việc sửa đổi Luật Giá năm 2012 là cần thiết nhằm kịp thời hoàn thiện thể chế pháp luật về giá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Khắc phục những tồn tại hạn chế sau 10 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đồng thời đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT

1. Thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, theo đó Luật Giá phải quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò quản lý nhà nước; xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp.

2. Khắc phục những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

3. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

III. BỐ CỤC CỦA LUẬT

Luật Giá năm 2023 gồm 8 chương, 75 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung, gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7).

Chương II. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, gồm 4 điều (từ Điều 8 đến Điều 11).

Chương III. Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước gồm 5 điều (từ Điều 12 đến Điều 16).

Chương IV. Hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước, gồm 17 điều (từ Điều 17 đến Điều 33).

Chương V. Tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, gồm 6 điều (từ Điều 34 đến Điều 39).

Chương VI. Thẩm định giá, gồm 27 điều (từ Điều 40 đến Điều 66).

Chương VII. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá gồm 6 điều (từ Điều 67 đến Điều 72).

Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 3 điều (từ Điều 73 đến Điều 75).

IV. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

 Luật Giá năm 2023 cơ bản kế thừa phạm vi tại Luật Giá năm 2012, nhưng được sửa đổi, bổ sung để bao quát các nội dung cần điều chỉnh nhằm tăng sự minh bạch.

Về nguyên tắc áp dụng Luật Giá và các Luật có liên quan, Luật Giá năm 2023 đã quy định về việc áp dụng Luật Giá và các Luật có liên quan để đảm bảo nguyên tắc về việc xử lý các chồng chéo, vướng mắc hiện hành. Theo đó, về cơ bản Luật Giá năm 2023 sẽ điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Chỉ trừ một số trường hợp rất đặc thù đã có luật chuyên ngành riêng điều chỉnh toàn diện thì mới thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.

2. Về công khai thông tin về giá

Tại Điều 6 Luật Giá năm 2023 đã quy định rõ hơn về nội dung, phạm vi, trách nhiệm trong công khai thông tin về giá của cơ quan nhà nước gắn với từng đối tượng công khai, nhất là việc công khai một số nội dung thuộc hoạt động thẩm định giá là một trong những quy định hướng đến việc tăng cường công khai, minh bạch trong việc thực hiện thẩm định giá. Về các hành vi bị cấm, tại Điều 7 của Luật cũng được kế thừa từ các quy định còn phù hợp tại Luật Giá năm 2012 và có chỉnh lý, hoàn thiện lại theo hương làm rõ một số hành vi bị cấm cho phù hợp với thực tiễn và theo ý kiến của các Bộ, ngành nhằm tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát, kiểm tra xử lý.

3. Về quyền, nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi đối tượng áp dụng của Luật

a) Đối với quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cơ bản được kế thừa như Luật Giá năm 2012 và có chỉnh lý lại một số nội dung nhằm đảm bảo phù hợp hơn với các mối quan hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế hiện nay; trong đó đề cao quyền tự định giá của tổ chức, cá nhân đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ, chỉ trừ một số hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã được quy định rõ tại Luật.

b) Tại Luật Giá năm 2023 đã quy định 01 chương về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá, trong đó đã thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác quản lý, điều hành giá:

- Theo đó, tại Luật đã nêu rõ vai trò của Chính phủ sẽ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung; thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, điều tiết giá, quản lý thẩm định giá sẽ do các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhằm đảm bảo tăng cường phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ trong việc thực hiện thống nhất quản lý giá và thẩm định giá. Tại Điều 14 của Luật đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính với vai trò đầu mối trong việc triển khai các nhiệm vụ như xây dựng, điều chỉnh các Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý; xây dựng và hướng dẫn về phương pháp định giá; quản lý thống nhất hoạt động dịch vụ thẩm định giá... 

- Đồng thời, tại Điều 15 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá theo lĩnh vực, phạm vi chuyên môn, chuyên ngành quản lý. Các quy định này cũng đã giúp phân định rõ được nhiệm giữa Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, tạo thuận lợi cũng như minh bạch trong công tác tổ chức thực hiện; hạn chế được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các Bộ, ngành.

- Tại Điều 16 cũng đã quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gắn với phạm vi quản lý trên địa bàn. Trong đó, các nhiệm vụ triển khai tại địa phương sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện, phân công cho các đơn vị chuyên môn (các Sở, ngành) thuộc Ủy ban triển khai bao gồm đầy đủ các nội dung quản lý nhà nước về giá, đảm bảo thống nhất xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Các quy định này là nhằm tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, bảo đảm tính thống nhất trong công tác thực hiện. Việc cụ thể hóa để làm rõ hơn vai trò chủ trì, vai trò phối hợp trong thực hiện để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tránh sự đùn đẩy.

4. Về bình ổn giá

a) Về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá:

Tại Luật Giá hiện hành quy định 11 hàng hóa, dịch vụ gồm: Xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm, phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; đường ăn bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Theo đó, qua rà soát, đánh giá, tại Luật Giá năm 2023 đã bổ sung mặt hàng thức ăn chăn nuôi và đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng điện, muối ăn và đường ăn. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 9 mặt hàng quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Luật.

1. Xăng, dầu thành phẩm.

2. Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

3. Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

4. Thóc tẻ, gạo tẻ.

5. Phân đạm; phân DAP; phân NPK.

6. Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

7. Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

8. Thuốc bảo vệ thực vật.

9. Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.”

b) Bình ổn giá được xác định là một cơ chế nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. Theo đó, bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, tại Luật đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá tại Điều 18 và cụ thể hóa dấu hiệu để nhận diện các trường hợp áp dụng bình ổn giá Mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân;hoặc Khi cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường”.

Tại Điều 19 đã quy định rõ hơn về các biện pháp bình ổn giá, quy trình triển khai đảm bảo thuận lợi, phù hợp với thực tiễn, bao gồm 5 biện pháp:

“a) Điều hòa cung cầu bao gồm: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;

b) Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;

c) Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; việc định giá hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định tại Mục 2 Chương này;

d) Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

đ) Sử dụng quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã được lập quỹ bình ổn giá.”

So với Luật Giá năm 2012, Luật Giá năm 2023 đã điều chỉnh biện pháp đăng ký giá gộp vào nội hàm biện pháp kê khai giá; theo đó biện pháp kê khai giá sẽ là biện pháp được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về giá để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết. Điều chỉnh đưa biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá là một bước trong khâu tổ chức thực hiện bình ổn giá.

c) Về thẩm quyền, trách nhiệm và tổ chức thực hiện bình ổn giá, tại Điều 21 Luật Giá năm 2023 đã quy định rõ trong từng trường hợp cụ thể sau:

- Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, khi có dấu hiệu nhận diện biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường thì các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm đánh giá chi tiết và có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá. Trên cơ sở đó sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: Bước 1, kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hoá tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp; bước 2, lựa chọn, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định; bước 3, tổ chức triển khai thực hiện.

- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai thì có thể áp dụng bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ ngoài danh mục trong thời hạn nhất định (khoản 3 Điều 21). Theo đó,  trong trường hợp phạm vi áp dụng trên quy mô vùng hoặc cả nước, Chính phủ quyết định ngay chủ trương, biện pháp, thời hạn, phạm vi bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; trong trường hợp phạm vi áp dụng được giới hạn ở quy mô tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ngay chủ trương, biện pháp bình ổn giá theo đề nghị của Sở Tài chính, các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Bên cạnh đó, trong trường hợp phát sinh tình huống đặc biệt như tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm hóa, dịch bệnh, thiên tai, tại Điều 20 của Luật cũng đã bổ sung cơ chế triển khai bình ổn giá ngay đối với các hàng hóa, dịch vụ ngoài danh mục. Quy định này nhằm tạo sự linh hoạt cho việc triển khai bình ổn giá trong các tình trạng cấp bách, cần triển khai gấp, kịp thời.

Các quy định này đã tạo sự rành mạch trong trách nhiệm của các cấp khi tổ chức thực hiện bình ổn giá, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả biện pháp bình ổn giá.

5. Về định giá

a) Về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí tại Luật Giá năm 2012 tiếp tục được kế thừa thì tại Luật Giá năm 2023 đã bổ sung thêm tiêu chí "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh” nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhập tại Luật Giá.

Qua rà soát cho thấy những mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành thời gian qua có tính chất độc quyền hoặc thị trường cạnh tranh hạn chế nhất định nên việc bổ sung vào Danh mục để có sự điều tiết nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các mục tiêu an sinh, phát triển kinh tế xã hội là phù hợp. Việc bổ sung tiêu chí trên về cơ bản đảm bảo không quá rộng để tránh các trường hợp không thật sự cần thiết.

b) Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, qua rà soát 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc danh mục hiện hành, đã thu gọn, quy định 42 nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Phụ lục số 02 gắn với quy định rõ về thẩm quyền định giá gắn với từng Bộ, ngành, địa phương và hình thức định giá được quy định cụ thể, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

c) Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá đã bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng.

Theo đó, Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản dưới Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp Bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và cấp Ủy ban nhân dân tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý; việc phân công, phân cấp như vậy là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn, phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương để thuận lợi triển khai, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm.

d) Về phương pháp định giá, Luật đã phân định rõ trách nhiệm ban hành phương pháp định giá chung của Bộ Tài chính và phương pháp định giá riêng của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực riêng trong trường hợp pháp luật có quy định về phương pháp định giá riêng (ví dụ như giá đất; giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục; giá nhà ở; một số mặt hàng theo Luật Sở hữu trí tuệ…).

6.  Về hiệp thương giá

a) Về phạm vi hiệp thương, Luật đã quy định hiệp thương giá là phương thức thỏa thuận giữa các doanh nghiệp về giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm trung gian hỗ trợ các bên thỏa thuận. Việc hiệp thương chỉ thực hiện giữa các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ đáp ứng điều kiện hiệp thương giá; các là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đề nghị hiệp thương trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và khi 2 bên đều phải có văn bản đề nghị hiệp thương. Như vậy, các trường hợp thực hiện hiệp thương giữa một bên là Nhà nước với một bên là doanh nghiệp sẽ được loại bỏ và thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu thầu, đầu giá.

b) Việc tổ chức hiệp thương cũng được điều chỉnh, quy định rõ ràng hơn như sau:

- Tiếp nhận đề nghị hiệp thương, rà soát các điều kiện cần thiết theo đúng quy định của Luật.

- Cơ quan hiệp thương giá tổ chức hội nghị hiệp thương giá để bên mua và bên bán thương lượng với nhau. Tại hội nghị hiệp thương giá, cơ quan hiệp thương giá có vai trò trung gian, tạo điều kiện để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

- Khi bên mua và bên bán thỏa thuận được với nhau về mức giá thì hội nghị hiệp thương giá kết thúc; cơ quan hiệp thương giá lập biên bản để các bên ký ghi nhận kết quả hiệp thương.

- Trong trường hợp bên mua và bên bán không thương lượng thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá quyết định giá hiệp thương thì cơ quan hiệp thương giá thực hiện xác định giá để các bên thực hiện.

Mặt khác, cũng quy định rõ phạm vi áp dụng giá hiệp thương nhằm tránh các trường hợp lợi dụng mức giá hiệp thương để sử dụng cho các mục đích khác, không đúng với yêu cầu hiệp thương và vụ việc mua bán Mức giá hiệp thương chỉ được áp dụng cho đúng vụ việc mua, bán và khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã được các bên thống nhất tại văn bản đề nghị hiệp thương giá; mức giá hiệp thương không có giá trị để áp dụng cho các trường hợp khác. Bên mua và bên bán chịu trách nhiệm về mức giá hiệp thương”.

7. Về kê khai giá, niêm yết giá

a) Biện pháp được sửa đổi để quy định rõ là một hình thức tiếp nhận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ để phục vụ công tác tổng hợp, phân tích, dự báo của các cơ quan Nhà nước. Một trong các điểm mới quan trọng tại Luật Giá năm 2023 là quy định việc kê khai được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện sau khi quyết định giá (so với quy định hiện hành là phải kê khai trước khi quyết định giá) nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai tại đơn vị.

Bên cạnh đó, với vai trò là một hình thức công khai về giá nhằm tăng cường tính minh bạch trong mua, bán trên thị trường, các quy định về niêm yết giá cũng được Luật hóa nhằm tăng tính pháp lý cho việc tổ chức thực hiện.

b) Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, Luật Giá năm 2023 quy định nguyên tắc để xác định các trường hợp kê khai gồm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu; một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được tự quyết định giá và thực hiện kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để tăng cường hoạt động này Luật Giá năm 2023 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục và cơ quan tiếp nhận kê khai.

c) Bên cạnh đó, với vai trò là một hình thức công khai về giá nhằm tăng cường tính minh bạch trong mua, bán trên thị trường, các quy định về niêm yết giá cũng được Luật hóa nhằm tăng tính pháp lý cho việc tổ chức thực hiện. Theo đó, Luật Giá năm 2023 cơ bản kế thừa các quy định hiện hành song cũng quy định chi tiết hơn đối với một số nội dung phải thực hiện niêm yết cũng như quyền, trách nhiệm của các bên mua, bán trên thị trường.

8. Về giá tham chiếu

Tại Luật Giá năm 2023 đã bổ sung thêm quy định về giá tham chiếu là một trong các biện pháp quản lý, điều tiết giá mới của Nhà nước. Trên thế giới đang áp dụng khá rộng rãi để điều hành giá cho các giao dịch mua bán cụ thể. Qua đó, một mặt vẫn có sự quản lý có tính gián tiếp, một mặt vẫn tập trung quyền và tạo chủ động cho các doanh nghiệp trong tự quyết định giá.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy tại Hy Lạp sử dụng giá tham chiếu trong quản lý giá thuốc, mức giá tham chiếu được xác định trên cơ sở thực hiện các mức giá bán thấp nhất tại thị trường châu Âu để trên cơ sở đó các doanh nghiệp trong nước quyết định giá bán xoay quanh giá tham chiếu. Hoặc đối với mặt hàng xăng dầu, các doanh nghiệp đàm phán giá mua – bán xoay quanh giá tham chiếu của hãng tin Platt Singapore công bố; trên cơ sở đó giá cơ sở xăng dầu cũng được tính theo giá tham chiếu Platt Singapore. Hoặc đối với mặt hàng gas, các doanh nghiệp trong nước đang xác định giá bán xoay quanh giá tham chiếu PC (Price contract).

Luật năm 2023 đã quy định các vấn đề nguyên tắc chung về giá tham chiếu và giao Chính phủ quyết định hàng hóa, dịch vụ áp dụng giá tham chiếu và quy định việc công bố, sử dụng giá tham chiếu.

9. Về tổng hợp, phân tích, dự báo

Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường đã được thể chế hóa cụ thể tại 01 chương của Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ. Các hoạt động về tổng hợp thông tin giá cả thị trường, phân tích, đánh giá và dự báo kịp thời sẽ đảm bảo phục vụ tốt cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát trong các thời kỳ.

a) Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo được quy định tại Chương V: Đã quy định điều chỉnh rõ các vấn đề đã triển khai có hiệu quả trong thực tiễn gồm mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc của công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; các nhiệm vụ phải triển khai về xây dựng báo cáo, kịch bản điều hành giá. Theo đó, kết quả đầu ra của hoạt động là báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

b) Các nội dung về cơ sở dữ liệu về giá cũng được Luật hóa và quy định chi tiết: Cơ sở dữ liệu giá sẽ gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đặt tại Bộ Tài chính và gắn với đó thì các Bộ, ngành có trách nhiệm cung cấp, cập nhật dữ liệu về giá cho cơ sở dữ liệu quốc gia về giá (thay vì phải xây dựng cơ sở dữ liệu về giá riêng như quy định hiện hành); việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương sẽ được triển khai theo điều kiện thực tế tại địa phương và đảm bảo kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

10. Công tác thanh tra, kiểm tra

Tại Luật đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm đảm bảo hạn chế các sai phạm. Theo đó, đã quy định 01 Chương về về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá. Qua đó tăng cường cơ sở pháp lý cho khâu giám sát, hậu kiểm việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong tuân thủ quy định của pháp luật về giá.

11. Về thẻ thẩm định viên về giá

Điều 44 Luật G`iá năm 2023 quy định thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp, được cấp cho người đạt yêu cầu tại kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá. Quy định trên tại Luật cơ bản kế thừa, củng cố quy định hiện hành đồng thời quy định một số điểm mới như sau:

a) Quy định rõ thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định giá. Tên gọi “thẻ thẩm định viên về giá” đã được sử dụng từ Pháp lệnh Giá năm 2002 nhưng do cách gọi là “thẻ” như thẻ luật sư, thẻ công chứng viên dẫn đến còn có cách hiểu thẻ thẩm định viên về giá cũng là chứng nhận tư cách hành nghề tương tự như thẻ luật sư được cấp cho những người hành nghề luật sư, thẻ công chứng viên được cấp cho những người hành nghề công chứng. Trong khi bản chất của thẻ thẩm định viên về giá khác với các thẻ trên; thẻ thẩm định viên về giá chỉ là chứng nhận chuyên môn cấp cho người đạt yêu cầu của kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá tương tự như các chứng nhận chuyên môn về ngoại ngữ, tin học. Để được hành nghề thẩm định giá, người có thẻ thẩm định viên về giá phải thực hiện đăng ký hành nghề và được Bộ Tài chính thông báo có tên thuộc danh sách thẩm định viên về giá. Với việc khẳng định thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn đã phân biệt rõ tư cách hành nghề của “thẩm định viên về giá” với “người có thẻ thẩm định viên về giá”.

b) Quy định chuyên môn hóa thẻ thẩm định viên về giá theo lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp. Thẻ thẩm định viên về giá hiện nay không chuyên môn hóa theo lĩnh vực mà được đăng ký hành nghề để thẩm định giá các loại tài sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người được cấp thẻ thẩm định viên về giá khi đăng ký hành nghề sẽ cơ bản làm chuyên sâu trong một lĩnh vực như thẩm định giá bất động sản (khoảng 65%) hoặc vừa làm thẩm định giá bất động sản, vừa làm về thẩm định giá máy, thiết bị và một số ít làm về thẩm định giá doanh nghiệp. Do chưa có quy định chuyên môn hóa theo lĩnh vực, hiện nay thí sinh phải thi đủ các môn sau để được cấp thẻ thẩm định viên về giá: Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực giá và thẩm định giá; Nguyên lý hình thành giá cả thị trường và nguyên lý căn bản về thẩm định giá; Thẩm định giá bất động sản; Thẩm định giá máy, thiết bị; Thẩm định giá doanh nghiệp và Môn Ngoại ngữ tiếng Anh (trình độ C); điều này là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người muốn được cấp thẻ thẩm định viên về giá, lãng phí nguồn lực của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi hoạt động thẩm định giá phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu từ thực tế, vì trong nhiều trường hợp khi thẩm định giá doanh nghiệp, tài sản tài chính, tài sản vô hình do chưa có chuyên môn sâu nên đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, và với số lượng thẩm định viên tham gia trong lĩnh vực này rất hạn chế sẽ khó đáp ứng được yêu cầu thực tế sẽ phát sinh trong thời gian tới khi đẩy mạnh triển khai hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công thành công ty cổ phần; xác định giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ… Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng một số nước cũng phân loại thẩm định viên theo loại tài sản như: bất động sản, doanh nghiệp, tài sản tài chính, tài sản vô hình… Việc chuyên môn hóa thẻ thẩm định viên về giá theo lĩnh vực sẽ góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên môn sâu, cũng như tiết kiệm nguồn lực xã hội trong học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.

c) Quy định bằng đại học các chuyên ngành đều có thể tham dự kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá. Do lĩnh vực thẩm định giá rất rộng, nhiều nội dung thuộc nhiều chuyên ngành khác không chỉ giới hạn trong các chuyên ngành kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật (ví dụ như thẩm định giá hàng hóa, dịch vụ, tài sản là thuốc, dịch vụ giáo dục, tác phẩm hội họa cần kiến thức của chuyên ngành dược, giáo dục, nghệ thuật) và nhằm khuyến khích phát triển nghề thẩm định giá, một trong những điều kiện dự thi cấp thẻ thẩm định viên là có bằng đại học trở lên mà không phân biệt chuyên ngành đào tạo. Việc có bằng đại học chỉ là điều kiện cần để có thể tham gia kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá. Người dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá vẫn phải đáp ứng thêm điều kiện như hiện nay là phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá phù hợp với lĩnh vực chuyên môn dự thi do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo về giá cấp.

d) Không còn quy định kinh nghiệm làm việc là điều kiện dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá. Theo quy định hiện hành thì thí sinh dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá phải có kinh nghiệm 36 tháng làm việc kể từ ngày cấp bằng đại học. Tuy nhiên với quy định thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn thì quy định phải có kinh nghiệm làm việc mới được dự thi cấp thẻ là không phù hợp. Việc không quy định kinh nghiệm làm việc là điều kiện dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có thể đăng ký dự thi cấp thẻ ngay khi tốt nghiệp đại học để lấy chứng nhận chuyên môn về thẩm định giá, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác trợ lý, hỗ trợ cho thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp thẩm định giá.

12. Về đăng ký hành nghề thẩm định giá

Luật Giá năm 2023 quy định một số điểm mới sau:

a) Quy định kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá, quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá là một trong những điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá. Theo quy định hiện hành thì người đăng ký dự thi thẻ thẩm định viên về giá phải có kinh nghiệm làm việc theo chuyên ngành đào tạo ít nhất đủ 36 tháng kể từ khi có bằng đại học. Qua đánh giá thấy rằng, quy định về kinh nghiệm làm việc nên gắn với điều kiện hành nghề hơn là điều kiện thi, cấp chứng nhận chuyên môn; do đó, Luật Giá năm 2023 đã quy định một trong những điều kiện hành nghề thẩm định giá là có tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá với trình độ Đại học trở lên từ đủ 36 tháng; trường hợp làm việc với trình độ đại học trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá theo chương trình định hướng ứng dụng thì tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ đủ 24 tháng. Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá thì quy định có tổng thời gian kinh nghiệm 36 tháng là phù hợp. Lĩnh vực kiểm toán hành nghề hiện cũng đang có quy định tương tự.

b) Quy định rõ một số trường hợp không được đăng ký hành nghề thẩm định giá như người đang trong thời gian bị khởi tố, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự (trước đây Luật Giá năm 2012 quy định là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự); người đã bị kết án về một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, giá, thẩm định giá mà chưa được xóa án tích, người đang bị tước thẻ thẩm định viên về giá theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

13. Về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Luật Giá năm 2023 cơ bản kế thừa Luật Giá năm 2012 về 05 mô hình doanh nghiệp thẩm định giá gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần, đồng thời quy định thêm một số điều kiện nhằm tăng cường hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá như sau:

(1) Tăng số lượng thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp từ ít nhất 03 lên ít nhất 05 thẩm định viên về giá;

(2) Đối với loại hình công ty TNNH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần bổ sung điều kiện tổng số vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp phải chiếm tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp;

(3) Tăng số lượng thẩm định viên tại chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá từ ít nhất 02 lên ít nhất 03 thẩm định viên về giá.

  Việc điều chỉnh các quy định về số lượng thẻ thẩm định viên tối thiểu tại doanh nghiệp (từ 3 lên 5 thẩm định viên) và chi nhánh doanh nghiệp (từ 2 lên 3 thẩm định viên) bên cạnh việc làm tăng quy mô của doanh nghiệp, qua đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá. Đối với các doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá năm 2012 được chuyển tiếp đến ngày 01/7/2025 phải đáp ứng được điều kiện trên; trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá năm 2023, Bộ Tài chính thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

14. Về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước

Luật Giá năm 2023 đã hoàn thiện các quy định theo nguyên tắc tăng cường phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện, chặt chẽ trong khâu thực hiện của hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Cụ thể các điểm mới tại Luật Giá năm 2023 về hoạt động thẩm định giá nhà nước như sau:

- Luật Giá năm 2023 không quy định các trường hợp phải thẩm định giá của Nhà nước mà chỉ xác định việc thẩm định giá của Nhà nước là một phương thức, cơ chế thực hiện nhằm tư vấn về giá trị tài sản cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét quyết định, phê duyệt giá khi bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết, chuyển giao tài sản công hoặc mua, đi thuê hàng hóa, dịch vụ, tài sản có sử dụng vốn nhà nước. Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước không áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

- Việc thẩm định giá tài sản gắn với trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản để tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản có sử dụng vốn nhà nước. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt giá khi lựa chọn phương thức thẩm định giá của Nhà nước có trách nhiệm thành lập hội đồng thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá của Nhà nước.

- Về thành phần Hội đồng thẩm định giá: Hội đồng thẩm định giá phải có tối thiểu 03 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập hội đồng thẩm định giá, bao gồm Chủ tịch hội đồng thẩm định giá. Trong đó, Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 50% thành viên, bao gồm Chủ tịch hội đồng thẩm định giá có ít nhất một trong các chứng nhận chuyên môn sau: (a) Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá; (b) Thẻ thẩm định viên về giá; (c) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá; (d) Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

Trường hợp cần thiết có thể thuê người có chứng nhận chuyên môn theo quy định ở trên làm thành viên hội đồng thẩm định giá.

- Ngoài ra, Luật Giá năm 2023 cũng phân định rõ quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (như chủ tịch hội đồng, thành viên hội đồng, người có chứng nhận chuyên môn, tổ chức có chức năng thực hiện giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, chất lượng của tài sản; thuê doanh nghiệp thẩm định giá…).

V. TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT

Để đảm bảo các nội dung của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Giá năm 2023; trong đó tập trung triển khai ngay việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật, qua đó sớm đưa Luật vào cuộc sống.

2. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định tại Luật Giá năm 2023.

3. Tổ chức quán triệt việc thực hiện, phổ biến, tập huấn Luật Giá năm 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.

Toàn văn Luật Giá tại đây

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay599
  • Tổng lượt truy cập1.821.072