Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH KỂ TỪ NGÀY 01/4/2021

13:42, Thứ Năm, 24-3-2022

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 4/2021

     1. Ngày 12/3/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT quy định thí sinh mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp THPT vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ sẽ bị đình chỉ thi (hiện hành chỉ quy định đối với phòng thi). Điều 14 Quy chế thi quy định: Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ (cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo); Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác) do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành; các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Cấm mang vào phòng thi: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.        
          Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 27/4/2021.
        2. Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5609/QĐ-BYT ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập. Theo đó, Quyết định số 5609/QĐ-BYT ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp ý đối với: trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục; trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập. Các bước khám giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục gồm: (1)Tiếp nhận hồ sơ, phân công giám định: tiếp nhận trưng cầu/yêu cầu, hồ sơ, đối tượng giám định; phân công cán bộ chuyên môn); (2) Các bước khám giám định: làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu; tiếp xúc người được giám định, gia đình, người giám hộ; khám tổng quát; khám bộ phận sinh dục; khám hậu môn, trực tràng; khám miệng, hầu họng; khám các bộ phận khác trên cơ thể; khám chuyên khoa và các xét nghiệm cần thiết; nghiên cứu vật chứng hoặc thực nghiệm (nếu có); bàn giao đối tượng giám định; tổng hợp, đánh giá kết quả; (3) Hoàn thành trả kết quả giám định: hoàn thành và ký kết luận giám định; trả kết quả giám định; lưu kết quả giám định. 
          Quyết định số 5609/QĐ-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021.
          3. Ngày 01/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Theo đó, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi. Trong đó, có nội dung đáng lưu ý là cơ sở giết mổ tập trung không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ sẽ bị xử phạt từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi: không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi. Lưu ý: mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi.       
          Nghị định số 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2021 và thay thế Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018.  
           4. Ngày 03/12/2020, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1666/QĐ-BHXH ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, trên phôi thẻ Bảo hiểm y tế được áp dụng từ ngày 01/4/2021 đã bỏ nội dung về địa chỉ nơi cư trú của người có tên trên thẻ Bảo hiểm y tế so với quy định tại Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014. Thông tin về địa chỉ (nơi cư trú hoặc nơi làm việc) sẽ được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế và Cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Phôi thẻ Bảo hiểm y tế mới bao gồm những nội dung sau: Mã số: in 10 ký tự mà sổ BHXH của người tham gia Bảo hiểm y tế; Họ và tên: in họ và tên của người tham gia Bảo hiểm y tế bằng chữ in hoa; Ngày sinh: in ngày, tháng, năm sinh của người tham gia Bảo hiểm y tế;Giới tính: in nam hoặc nữ theo hồ sơ đăng ký tham gia Bảo hiểm y tế; Mã mức hưởng Bảo hiểm y tế: in (01 ký tự: theo số thứ tự từ 1 đến 5); Mã nơi đối tượng sinh sống: in (02 ký tự: K1/K2/K3) ký hiệu nơi người dân tộc thiếu số và người thuộc hộ gia đinh nghèo tham gia Bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu: in tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu do người tham gia Bảo hiểm y tế đăng ký; Giá trị sử dụng: in giá trị sử dụng thẻ từ ngày .../.../...; Thời điểm đủ 05 năm liên tục: in từ ngày .../.../... tham gia Bảo hiểm y tế đủ 05 năm liên tục theo quy định hiện hành; Nơi cấp, đổi thẻ Bảo hiểm y tế: in lên địa danh của huyện và tỉnh nơi cơ quan bảo hiểm xã hội in cấp, đổi thẻ Bảo hiểm y tế; Chữ ký: in chức danh, chữ ký quét và họ tên của Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ; Vị tri dán ảnh: in khung trống nét đơn màu đen kích thước 20mm x 30mm; Vị trí mã vạch: in mã vạch hai chiều.   
          Quyết định số 1666/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021.
         5. Ngày 18/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-TTg bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành về xác định khu vực cấm, địa điểm cấm và Danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định bãi bỏ toàn bộ 47 văn bản quy phạm pháp luật sau: Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm; Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về Danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật; Quyết định số 21/2019/QĐ-TTg về Danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật của ngành Thông tin và Truyền thông; Quyết định số 07/2018/QĐ-TTg về Danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…
          Quyết định số 06/2021/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2021.
      6. Ngày 12/03/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao. Theo đó, Thông tư số 07/2021/TT-BGDĐT quy định Ban Giám hiệu phân công ít nhất 01 lãnh đạo trường phụ trách lĩnh vực năng khiếu thể dục thể thao và ít nhất 01 lãnh đạo trường phụ trách lĩnh vực dạy học văn hóa. Lớp học kiến thức văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông gồm những học sinh có cùng trình độ văn hóa, có thể không cùng độ tuổi; lớp học năng khiếu thể dục thể thao gồm những học sinh có cùng trình độ chuyên môn về môn thể thao, có thể không cùng trình độ kiến thức văn hóa và độ tuổi. Bên cạnh đó, mỗi lớp năng khiếu thể dục thể thao không quá 25 học sinh và mỗi học sinh chỉ được học 01 lớp năng khiếu thể dục thể thao. Học sinh có độ tuổi từ 06 tuổi đến 15 tuổi, hoàn thành chương trình giáo dục theo độ tuổi, cấp học tương ứng theo quy định, có sức khỏe, thể hình, đạo đức tốt, học lực trung bình trở lên, có năng khiếu thể dục thể thao, được sự đồng ý của gia đình và đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn đều được tham gia thi tuyển vào trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao theo các môn thể thao sở trường. Ngoài ra, học sinh trong quá trình đào tạo, tối đa từ sáu tháng đến một năm học, nếu không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, không có khả năng phát triển thành tích ở môn thể thao đang được đào tạo sẽ chuyển sang học ở trường phổ thông khác trên địa bàn theo quy định hiện hành.      
          Thông tư số 07/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 21/4/2021.
          7. Ngày 11/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo đó, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất, nhập khẩu (XNK) như sau: không thu thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế theo quy định như: hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất; hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất; hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm; hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế XNK nhưng không có hàng hóa XNK hoặc XNK ít hơn so với hàng hóa XNK đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu. Không thu thuế đối với hàng hóa không phải nộp thuế XNK quy định về: hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất. Người nộp thuế nộp hồ sơ không thu thuế cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục XNK hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan.   
          Nghị định số 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2021.
          8. Ngày 25/01/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTC hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán. Theo đó, việc kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện theo hình thức kiểm tra gián tiếp và kiểm tra trực tiếp (gồm trực tiếp định kỳ, trực tiếp đột xuất). Trong đó, thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ được quy định như sau: 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có: doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên; mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên. Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán khác thì kiểm tra trực tiếp ít nhất 5 năm/lần.
          Thông tư số 09/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021.
          9. Ngày 18/02/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh. Theo đó, thời điểm người nộp phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh là: khi đăng ký tờ khai đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khi đề nghị cấp sổ ATA đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo quy định về cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul; khi nộp đơn đề nghị cơ quan hải quan kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 
          Thông tư số 14/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 05/4/2021.
          10. Ngày 26/02/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu         . Theo đó, về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hóa được sửa đổi, bổ sung theo hướng cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích hàng hóa có trách nhiệm lập và gửi hồ sơ yêu cầu phân tích, hồ sơ gồm: mỗi mặt hàng lập 01 Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (mẫu 05/PYCPT/2021 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BTC); phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa; mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích; tài liệu kỹ thuật của hàng hóa; trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan Hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do tại mục 12 mẫu số 05/PYCPT/2021.         
          Thông tư số 17/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 12/4/2021.
          11. Ngày 30/9/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BTTTT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu truyền hình cáp tương tự tại điểm kết nối thuê bao (QCVN 87:2020/BTTTT)
Theo đó, QCVN 87:2020/BTTTT quy định các yêu cầu kỹ thuật về chất lượng tín hiệu truyền hình cáp tại điểm kết nối thuê bao, sử dụng công nghệ tương tự, hệ màu PAL B/G và PAL D/K. Loại truyền hình sử dụng phương tiện truyền dẫn trên mạng cáp, sử dụng điều chế bằng kỹ thuật tương tự để cung cấp các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đến người sử dụng dịch vụ. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo tín hiệu truyền hình cáp tương tự tuân thủ Quy chuẩn này, đồng thời công bố chất lượng về tín hiệu truyền hình cáp theo Quy chuẩn và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
          Thông tư số 27/2020/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự thực hiện tại Thông tư số 24/2016/TT-BTTTT về quản lý chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
          12. Ngày 21/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhãn rỗi của Kho bạc Nhà nước (KBNN)
Theo quy định, trái phiếu Chính phủ được KBNN chấp nhận sử dụng trong giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phải đảm bảo các điều kiện: là trái phiếu Chính phủ đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán, có kỳ hạn còn lại tối đa không quá một (01) năm; thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và được phép chuyển nhượng; không bị ràng buộc trong các quan hệ về giao dịch đảm bảo trong thời gian mua lại có kỳ hạn, kể từ ngày thanh toán giao dịch lần 1. Kỳ hạn mua lại trái phiếu Chính phủ của KBNN bao gồm: kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. KBNN sẽ căn cứ tình hình thị trường, quyết định kỳ hạn mua lại cụ thể đối với từng giao dịch, phù hợp với phương án điều hành ngân quỹ Nhà nước đã được Bộ Tài chính phê duyệt hàng quý. Hàng quý, chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày được Bộ Tài chính phê duyệt hạn mức sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, KBNN thông báo tổng hạn mức giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trong quý trên trang thông tin điện tử của KBNN.  
          Thông tư số 107/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021.

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1931
  • Tổng lượt truy cập2.116.919