Mãnh đất con người thị xã Quảng Trị - Thị xã Quảng Trị

Mãnh đất con người thị xã Quảng Trị

Thị Xã Quảng Trị - một thị xã nhỏ như bao thị xã khác của miền Trung, nghiêng mình soi bóng bên dòng sông Thạch Hãn huyền thoại đã đi vào miền ký ức của bao nhiêu người dân Quảng Trị. Đối với tôi, nó trở thành điểm tựa tinh thần mỗi khi nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai, bởi lẽ nó không chỉ là một thị xã hiền hòa, người dân cởi mở, ân tình mà vì nó mang trong mình nhiều cái độc đáo, trong đó, chịu đựng sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá của thiên tai thì không một nơi nào trên dải đất hình chữ S này có thể sánh được.

]]>

ĐẤT THIÊNG THÀNH CỔ VÀ LỄ HỘI TRI ÂN

                                                                                                                Lê Ngọc Vũ

                                                Phòng VH&TT thị xã Quảng Trị

 

Thị Xã Quảng Trị - một thị xã nhỏ như bao thị xã khác của miền Trung, nghiêng mình soi bóng bên dòng sông Thạch Hãn huyền thoại đã đi vào miền ký ức của bao nhiêu người dân Quảng Trị. Đối với tôi, nó trở thành điểm tựa tinh thần mỗi khi nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai, bởi lẽ nó không chỉ là một thị xã hiền hòa, người dân cởi mở, ân tình mà vì nó mang trong mình nhiều cái độc đáo, trong đó, chịu đựng sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá của thiên tai thì không một nơi nào trên dải đất hình chữ S này có thể sánh được. Vậy nhưng, đất và người thị xã Quảng Trị vẫn hồi sinh một cách kỳ lạ, tạo thế đứng vững chãi trong lòng bạn bè gần xa với bao nghĩa tình sâu nặng, trở thành miền tri ân của đồng bào, đồng chí cả nước.
Trở lại với mảnh đất Quảng Trị ngày xưa, đó là vùng Ô Châu của  Chăm pa, nó trở về với dân tộc Việt với tư cách là món sính lễ của Chế Mân- Vua Chăm Pa khi cưới công chúa Huyền Trân vào năm 1306. Năm 1809, mảnh đất này trở thành tỉnh lị của tỉnh Quảng Trị. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với 210 năm tồn tại và phát triển, con người của thị xã Quảng Trị từng khắc vào trang vàng lịch sử dân tộc những chiến công lừng lẫy một thời, đã biến mảnh đất nhọc nhằn nhưng đầy khát vọng này trở thành vùng đất thiêng liêng mà hiện nay người ta thường gọi mảnh đất thị xã Quảng Trị là “đất thiêng Thành Cổ”.
Xin bắt đầu bằng mấy câu thơ của Trần Bạch Đằng để nói về vùng đất thiêng:
                                     “Hễ có Việt Nam có Cổ Thành
                                      Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh
                                      Huân chương khó đủ từng viên gạch
                                      Tấc đất từng giây, mỗi lá cành”
Năm 1972 ta mở chiến dịch Trị - Thiên, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân hè 1972 kết thúc thắng lợi, quê hương Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Trước tình thế Quảng Trị bị thất thủ, Thừa Thiên Huế bị uy hiếp nghiêm trọng, Mỹ ngụy mở cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị lấy tên “Lam Sơn 72” với hi vọng lấy lại được tinh thần, tẩy xóa được tâm lí thất bại đang phát triển tràn lan trong ngụy quân, đồng thời tạo sức ép với ta tại bàn hội nghị Pari, hy vọng sẽ phá được cuộc tổng tiến công của quân và dân ta, giữ vững cố đô Huế. Với ý đồ đó, chúng huy động 4 sư đoàn (trong đó có 2 sư đoàn “thiên thần mũ đỏ” và “cọp biển”), 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm để hổ trợ cho cuộc hành quân “Lam Sơn 72” tái chiếm Quảng Trị.
Cuộc chiến đấu chống địch tái chiếm thị xã Quảng Trị diễn ra trong 81 ngày đêm (từ 28/6/1972 đến ngày 16/09/1972) là cuộc chiến của một bên là bom đạn vũ khí tối tân của kẻ thù hủy diệt - Đế quốc Mỹ và một bên là tấm lòng kiên trì, bền gan, vững chí vì một dân tộc Việt thống nhất trường tồn của những con người ưu tú đất Việt. Thật khó có thể hình dung nổi một mảnh đất chưa đầy 6km2 mà kẻ thù tàn bạo đã dội xuống nơi đây hơn 328 ngàn tấn bom đạn, có ngày chúng bắn khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn 105- 203 mm xuống thị xã và các vùng lân cận. Lượng bom đạn mà Mỹ Ngụy dội xuống thị xã trong 81 ngày đêm năm 1972 tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã dội xuống thành phố Hirosyma của Nhật Bản năm 1945. Thế mà thật kỳ lạ, trong đống đổ nát hoang tàn tưởng chừng như không hề còn sự sống đó, quân và dân ta vẫn bám trụ kiên cường, gan dạ chiến đấu, đẩy lùi mọi sự phản kích của địch, giữ vững trận địa. Tuy nhiên, “gang thép cũng phải chảy với bom đạn của chúng” (Lê Duẩn), mỗi ngày ta phải bổ sung cho Thành Cổ 1 đại đội quân, sáng hôm sau chỉ còn chưa đầy chục người. Sự hi sinh cho chiến công này quả thật không phải là nhỏ. Hàng ngàn chiến sĩ của chúng ta ở khắp mọi miền Đất nước đã phải vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Về phía địch cũng đã bỏ mạng tại thị xã và các vùng lân cận đến con số 2 vạn và hàng ngàn phương tiện chiến tranh bị phá hủy. Chiến công Thành Cổ - Quảng Trị đã ghi vào lịch sử chiến tranh Cách Mạng Việt Nam như một chiến tích hào hùng đầy máu lửa, là bản anh hùng ca về tinh thần quả cảm, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân và dân cả nước cũng như quân và dân thị xã Quảng Trị anh hùng.
Sống trong cuộc sống trong tự do, hạnh phúc hôm nay, chúng ta mới thấu hiểu hết những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, sự mất mát đến tột cùng của những người Mẹ, người Anh, người chị, người con có người thân mãi mãi không trở về sau ngày tan tiếng súng. Người và đất thị xã Quảng Trị luôn tự hào về chiến công 81 ngày đêm bất tử chốt giữ Thành Cổ, càng không quên nổi đau mất mát hi sinh của đồng bào cả nước vì Quảng Trị thân yêu. Nhân dân thị xã Quảng Trị luôn khắc cốt ghi tâm và nâng niu từng nắm đất của quê mình, nơi mà từng tấc đất đều thấm đẫm máu đào của các anh hùng liệt sĩ. Đó chính là đạo lý Uống nước nhớ nguồn - một truyền thống đạo đức quý báu, một nét đẹp văn hóa của Người Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, thị xã Quảng Trị bây giờ đã thay da đổi thịt. Mặc dù hình hài của thị xã Quảng Trị vẫn còn nhỏ bé, nhưng thị xã Quảng Trị đã đứng dậy với tầm vóc mới. Trong bộn bề công việc để tái thiết quê hương, người dân thị xã Quảng Trị luôn chăm lo, quan tâm đến vấn đề tri ân với những người đã vì thị xã thân yêu mà hi sinh tuổi trẻ. Điều day dứt nhất của người dân nơi đây là dưới tầng đất sâu kia, hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Không một nơi nào như nơi này, cứ một lần động thổ xây công trình là bắt gặp hài cốt liệt sĩ. Máu thịt của các anh hòa trộn vào lòng đất, thật khó để có thể biết hài cốt của các anh đang hiện hữu ở đâu đó và ở độ sâu nào. Thật là chí lí khi có người nào đó gọi mảnh đất này là nghĩa trang quốc gia thứ 3 ở Tỉnh Quảng Trị. Bởi vậy, ngoài hơn 500 hài cốt liệt sĩ – đa số là không biết tên được đưa về nghĩa trang liệt sĩ của thị xã và một số ít hài cốt các anh được người thân đưa về quê nhà để thờ phụng, hương khói, đa số các anh còn lại nằm ở đây được người dân nơi này gọi với cái  tên chung là “những linh hồn bất tử”. Để cầu mong cho linh hồn các anh được an nghỉ nơi vĩnh hằng, hầu hết các nhà dân ở thị xã Quảng Trị đều có tối thiểu một am thờ trong vườn đất của nhà mình để hương khói cho các anh trong dịp ngày 14, rằm, 30, mồng 1, vào các dịp lễ tết. Vào những ngày đó, chợ thị xã Quảng Trị tràn ngập các loài hoa.
Thật đáng khen và trân trọng ý tưởng thiết kế tượng đài trung tâm Thành Cổ của những nhà thiết kế. Với ý tưởng muốn nơi đây sẽ trở thành nấm mồ chung khi chưa tìm được thi hài các liệt sĩ, tượng đài sừng sững vút lên giữa lòng Thành Cổ để nhắc nhở khách thập phương hành hương về đây khắc cốt ghi tâm sự tàn bạo của kẻ thù, cầu nguyện cho hòa bình, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính điều này đã đáp ứng lòng mong mỏi và tâm nguyện của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đặc biệt là đối với với những người đã từng chiến đấu, hi sinh hoặc để lại 1 phần thân thể và thân nhân của những người đã ngã xuống nơi đây. Không biết từ lúc nào và từ đâu, cái tên “đất thiêng Thành Cổ” đã hiện hữu trong lòng mọi người khi nói về mảnh đất này.
Để chứng minh cho cái tên “đất thiêng”, người dân nơi đây kể lại rằng: Từ sau năm 1975 đến nay, ở cái thị xã nhỏ bé này, bất cứ có một đoàn văn công, ca nhạc nào về đây biểu diễn là y như rằng đêm ấy trời đổ mưa. Nhiều lúc đang giữa mùa gió lào nắng hạ vẫn bị mưa rơi làm đổ vỡ chương trình. Tuy nhiên, có những lễ hội, sự bất thường của thời tiết làm người ta liên tưởng đến sự linh thiêng như thế. Tại lễ hội đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước vào năm 2005, trong quá trình chuẩn bị tổ chức lễ, một cơn áp thấp nhiệt đới ập đến, mưa như trút nước một tuần liền. Chiều hôm trước diễn ra buổi lễ, tình hình chẳng có gì sáng sủa, lãnh đạo thị xã triển khai phương án 2 là chuyển vào hội trường thay vì chương trình được dàn dựng và mọi khâu chuẩn bị đều ở sân vận động. Lạ kì thay, đến chiều hôm trước khi diễn ra buổi lễ, trời bắt đầu tạnh, sáng sớm mai thức dậy, tiếng chim rũ cánh hót líu lo, mặt trời chen ra khỏi rặng dừa bừng lên một vầng sáng lung linh như đêm qua nơi đây chưa từng có sự tàn phá của gió mưa, chưa từng có sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới. Buổi lễ được tổ chức ở sân vận động thành công trong sự ngỡ ngàng và hân hoan của người dân thị xã. Hoặc như là chương trình truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca về một dòng sông” của VTV3 nhân kỷ niệm 35 giải phóng thị xã vào năm 2007. Nhiều ngày đêm trước đó, mưa như trút nước, mưa đến nổi các hoạt động kỷ niệm 35 năm giải phóng thị xã Quảng Trị có những chương trình như lễ hội đường phố, lễ hội ẩm thực phải dừng lại hoặc phải hoạt động cầm chừng. Ây vậy mà đến chiều và đêm diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp thì trời lại tạnh ráo, góp phần làm cho chương trình thành công, gây ấn tượng mạnh và sâu sắc về một dòng sông hoa lửa nói riêng, về thị xã Quảng Trị nói chung trong lòng bạn bè cả nước…Và còn nhiều chuyện li kì khác khi được nghe, chúng ta tưởng như chỉ có trong huyền thoại mà thôi.
 Sự hiện hữu của cái tất nhiên, đó là hi sinh để cho đất nước độc lập nở hoa, xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã hòa quyện vào mỗi tấc đất của thị xã Quảng Trị thân yêu, cùng với sự tồn tại của các hiện tượng ngẫu nhiên làm cho người chúng ta hôm nay thấy rõ hơn giá trị những thành quả mà chúng ta đang sở hữu, đó là: hòa bình, độc lập, tự do và làm cho chúng ta tôn kính hơn sự hi sinh lớn lao của những người xã thân vì nghiệp lớn.
Đất thiêng Thành Cổ không chỉ đi vào trực giác mà đã đi vào miền tâm thức của muôn người, nhất là những người đã từng cầm súng, đối mặt với cái chết để bảo vệ chân lý, những người mà họ thừa biết “vào sinh- ra tử” nhưng chẳng bao giờ lùi bước trước cái phi nghĩa của cuộc chiến mà những kẻ lắm tiền, nhiều vũ khí gây ra. Giờ đây là những doanh nhân thành đạt, những nhà lãnh đạo của các nghành, họ đã trở về mảnh đất thiêng liêng Thành Cổ với biết bao đồng đội của họ đang nằm lại nơi đây để làm một cái gì đó cho vơi đi sự buồn tủi của những linh hồn vinh quang, để cho linh hồn các anh siêu thoát nơi chín suối. Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã cùng thị xã Quảng Trị đã hoàn thành công trình tháp chuông Thành Cổ, Quảng trường Giải phóng, Nhà hành lễ và bến thả hoa ở bờ Nam sông Thạch Hãn; Ngân hàng Phát triển cũng xây dựng Đền tưởng niệm và bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn với ước nguyện trong cuộc sống muôn sắc, trên mảnh đất Thành Cổ sẽ ngân vang những tiếng chuông tri ân, những nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu quên mình cho Tổ Quốc, để cho linh hồn các anh siêu thoát nơi vĩnh hằng, đồng thời như là một thông điệp chuyển tải khát vọng hòa bình, tự do của một dân tộc vốn đã chịu nhiều đau thương do chiến tranh để lại. Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở bờ Bắc sông Thạch Hãn trang trọng và bề thế đã được xây dựng - nơi một thời khói lửa 81 ngày đêm của quân và dân ta vượt sông vào Thành Cổ chiến đấu. Cùng với tháp chuông Thành Cổ, Quảng trường Giải phóng, đền tưởng niệm và bến thả hoa 02 bờ Nam- Bắc sông Thạc Hãn, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ sẽ hợp thành một quần thể kiến trúc văn hóa hoài niệm đồng bộ, tạo thêm dáng vẽ cho thị xã Quảng Trị.
Từ mất mát mà đi lên, từ đau thương mà đứng dậy, công tác đền ơn đáp nghĩa được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã nhận thức 1 cách sâu sắc, hưởng ứng tích cực và thực hiện một cách có hiệu quả. Xuất phát từ tấm lòng tri ân và sự ngưỡng mộ, từ phong trào này đã dần hình thành một lễ hội – Lễ hội Hoa Đăng mang đặc trưng rất riêng của mảnh đất này.
                               Đò lên Thạch Hãn xin…chèo nhẹ,
                              Đáy sông còn đó bạn tôi nằm,
                              Có tuổi hai mươi thành sóng nước,
                              Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm                                       
Bốn câu thơ của Lê Bá Dương đã nói hết nỗi lòng của người chiến sĩ năm xưa trên chiến trường Thành Cổ với những linh hồn còn bồng bềnh trong cõi hư vô, nhưng hầu như vẫn chưa xa rời dòng Thạch Hãn. Từ khi tan tiếng súng, hằng năm, vào dịp ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Lê Bá Dương lặng lẽ về chợ thị xã Quảng Trị gom mua hết số hoa rồi đến bên dòng sông Thạch Hãn thả hoa xuống dòng nước cùng những giọt nước mắt, tưởng nhớ về những đồng đội năm xưa đã gửi thân xác nơi “dòng sông hoa lửa”, để cho hôm nay hoa nở giữa phố phường. Và thế là, anh là “người thắp lửa dòng sông”. Người dân thị xã biết, lãnh đạo thị xã biết, và rồi hằng năm vào các ngày lễ thương binh liệt sỹ 27/7, sau đó là các ngày kỷ niệm thị xã Quảng Trị giải phóng 1/5, ngày lễ độc lập 2/9…, chính quyền và nhân dân thị xã mang hoa, nến và hương ra thả xuống dòng sông, hàng vạn bông hoa, hàng vạn chiếc đèn lung linh trên mặt nước sông Thach Hãn. Hoa ngày càng nhiều, đèn ngày càng đẹp, người tham gia ngày càng đông, lễ ngày càng trịnh trọng, nghiêm trang. Một nhạc sĩ đã thốt lên rằng “trên dòng sông, hoa đỏ bồng bềnh trôi, màu hoa lửa, cháy lên niềm thương nhớ” (Dòng sông hoa đỏ – Võ Thế Hùng).
Và thế rồi, trong miền tri ân ấy, từ lễ hội hoa đăng vào các dịp lễ của quê hương, đất nước, thị xã Quảng Trị đã hình thành nên chương trình Lễ hội “Đêm Hoa đăng” thường xuyên để tri ân các anh hùng liệt sỹ trên sông Thạch Hãn. Và lễ hội Hoa đăng của thị xã Quảng Trị trở thành một lễ hội chính thức nằm trong chương trình lễ hội của tỉnh Quảng Trị. Chương trình trước đây được tổ chức vào lúc 20h00 các đêm 14 Âm lịch hàng tháng, cái thời khắc giao hòa của đất trời, là lúc gặp gỡ của 2 cỏi âm- dương, lúc này, trên bàn thờ tổ tiên của mọi người cũng đã lên hương đèn. Chương trình lễ hội được bắt đầu bằng Lễ cúng vong linh các anh hùng liệt sỹ tại Thủy đình Nhà Hành lễ bờ Nam sông Thạch Hãn nhằm kết nối âm dương, như một lời mời của trần thế đối với những linh hồn bất tử cùng về chứng kiến tấm lòng tri ân của Người và đất Thành Cổ. Tiếp theo là lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nhà Hành lễ, sau đó là chương trình thả hoa, đăng đèn và thả đèn từ bến thả hoa xuống sông, đồng thời là thả đèn từ trên thuyền xuống dòng sông. Hàng ngàn ngọn nến lung linh trên sông như hàng ngàn linh hồn các anh đang bềnh bồng trên làn sóng biếc.
Việc tổ chức Lễ hội “Đêm Hoa đăng” trên sông Thạch Hãn là một hoạt động đầy tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa nhằm tôn vinh và ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do hôm nay đối với những người đã ngã xuống, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh. Hoạt động này đã đáp ứng tâm nguyện của người dân thị xã Quảng Trị nói riêng, của đồng bào, đồng chí cả nước nói chung được các tầng lớp nhân dân trên khắp cả nước đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng tích cực.

 

Description: http://thixaquangtri.quangtri.gov.vn/uploads/about/image-20200226151159-1.jpeg


Đêm hoa đăng trên dòng Thạch Hãn
Khi nói đến lễ hội, người ta thường nghĩ đến bản chất của nó là cái đẹp. Nhưng cái đẹp ở lễ hội “Đêm Hoa đăng” không phải là sự hào hoa, không phải là sự khoe sắc, càng không phải của thú đam mê. Nó vượt lên trên tất cả bằng sự cao cả của tâm hồn, bằng cái đức muôn đời của người Việt – đó là sự tri ân bằng cả cuộc đời và sự sống hôm nay vì một lẽ, những con người “Mãi mãi tuổi 20” luôn trường tồn, luôn chiếm giữ một vị trí thật cao đẹp trong tâm khảm của người dân thị xã Quảng Trị nói riêng và của những người yêu cuộc sống hôm nay.
Dòng Thạch Hãn trong xanh một thời máu lửa, Thành Cổ oai hùng bất tử với 81 ngày đêm trở thành biểu tượng của cái hùng, cái bi và cả sự tàn bạo của chiến tranh. Và hôm nay đây, một lễ hội “Đêm Hoa đăng” đầy ý nghĩa hiện hữu là lời tri ân sâu sắc của những người sống trên mãnh đất thấm đẫm máu đào của các anh hùng liệt sỹ. Lễ hội “Đêm hoa đăng” trở thành 1 lễ hội tri ân đặc sắc, riêng có của thị xã Quảng Trị, đã thu hút hàng vạn người tham gia.
Trời thị xã Quảng Trị hôm nay như xanh trong hơn, đất thị xã Quảng Trị hôm nay đang hồi sinh mãnh liệt. Nhưng có ai biết trong cái cao xanh và rộn ràng sắc xuân ấy còn có cả một miền tâm linh, một nỗi niềm đau đáu của những người dân nơi đây về những linh hồn bất tử và những thể xác còn nằm sâu trong lòng đất kia. Lòng luôn dặn lòng : “Cỏ non xanh tơ, xin chớ vô tình, với người hi sinh cho mảnh đất quê mình” (Cỏ non Thành Cổ - Tân Huyền).
Xin dâng một nén hương thơm, một cành hoa sắc thắm, một ngọn nến trên sông để làm vơi đi những khát vọng của một thời xuân sắc mà các anh đã dành trọn cuộc đời mình cho mảnh đất này./.     

]]>

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay297
  • Tổng lượt truy cập1.779.186
 
...