Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị
QUY ĐỊNH VỀ NGÀY BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 4/2021
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ NGÀY BẦU CỬĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
1. Ngày bầu cử được quy định như thế nào?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Căn cứ vào quy định nói trên, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 quyết định rõ Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 làChủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021.
2. Vào ngày bầu cử, việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không?
Trong ngày bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 07 giờ sáng và thực hiện liên tục cho đến 07 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 05 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 09 giờ tối cùng ngày.
Trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu và đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.
Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 07 giờ tối cùng ngày. Do đó, về nguyên tắc, các Tổ bầu cử, thành viên các Tổ bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu.
3. Các địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được trang trí, tổ chức như thế nào?
Địa điểm bỏ phiếu được bố trí ở những nơi công cộng (như nhà văn hóa, hội trường, trường học,...)thuận tiện cho cử tri cũng như thuận lợi cho việc bố trí các trang thiết bị phục vụ cho cuộc bầu cử. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương và căn cứ vào mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử.
Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.Tổ trưởng Tổ bầu cử phải phân công thành viên Tổ bầu cử luân phiên trực bảo vệ địa điểm bỏ phiếu cả ngày và đêm trước, trong ngày bầu cử và cho đến khi kết thúc việc bỏ phiếu, tổng hợp, lập biên bản kiểm phiếu gửi đến Ủy ban bầu cử tương ứng.
Địa điểm bỏ phiếu gồm: cổng ra - vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn tại Thông tư số 01/2020/TT-BNV ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.
a) Cổng ra - vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu:
- Tổ bầu cử sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để làm cổng ra vào khu vực bỏ phiếu.
- Khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu là nơi niêm yết danh sách cử tri; nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử; nơi tổ chức lễ khai mạc; nơi tiếp đón cử tri đến bỏ phiếu. Khu vực này có thể bố trí bàn, ghế để cử tri chờ thực hiện việc bỏ phiếu.
b) Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu:
- Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được bố trí trang trọng, đủ bàn, ghế, bút viết và những điều kiện cần thiết để cử tri đến bỏ phiếu; nơi nào có hội trường rộng thì có thể tổ chức lễ khai mạc ngay trong phòng bỏ phiếu.
- Phòng bỏ phiếu phải có lối đi vào, lối đi ra một chiều và theo trật tự nhất định, có thể tham khảo bố trí theo sơ đồ sau: Bắt đầu lối vào là bàn hướng dẫn, bàn để cử tri xuất trình Thẻ cử tri và nhận phiếu bầu; tiếp đến là một số bàn để cử tri viết phiếu bầu, nơi để hòm phiếu; bàn đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri để xác nhận cử tri đã bỏ phiếu; lối ra cho cử tri sau khi cử tri đã thực hiện xong việc bỏ phiếu.
- Tùy điều kiện cụ thể của từng phòng bỏ phiếu, Tổ bầu cử niêm yết danh sách, tiểu sử những người ứng cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân để cử tri tham khảo trước khi viết phiếu bầu.
- Nơi cử tri viết phiếu bầu cần có các vách ngăn hoặc phòng kín để bảo đảm cử tri ‘‘bỏ phiếu kín’’ theo quy định của pháp luật về bầu cử.
4. Các nội dung của Nội quy phòng bỏ phiếu?
Để cuộc bầu cử đạt kết quả, bảo đảm dân chủ, hợp pháp của cuộc bầu cử và bảo đảm trật tự, an toàn, nhất là trong ngày bỏ phiếu, các tổ chức phụ trách bầu cử và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, khi đến bỏ phiếu, mọi người đều phải tuân theo nội quy của phòng bỏ phiếu do Hội đồng bầu cử quốc gia quy định.
Nội quy phòng bỏ phiếu được Tổ bầu cử niêm yết tại phòng bỏ phiếu và gồm các nội dung sau đây:
- Phải chấp hành đúng nguyên tắc, trình tự bỏ phiếu.
- Cử tri phải xếp hàng lần lượt để thực hiện việc bỏ phiếu, ưu tiên người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ có thai.
- Phải giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn tại khu vực bỏ phiếu.
- Không được vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu dưới bất kỳ hình thức nào.
- Không được mang vũ khí, chất nổ, vật dễ cháy… vào khu vực bỏ phiếu, phòng bỏ phiếu.
- Những người không có nhiệm vụ thì không được vào phòng bỏ phiếu.
- Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử, những người có nhiệm vụ phục vụ bầu cử phải đeo phù hiệu theo mẫu do Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh quy định; thành viên Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và giải đáp thắc mắc của cử tri.
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào mặt trước của Thẻ cử tri. Thẻ cử tri chỉ có giá trị cho một lần bỏ phiếu.
- Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử của công dân, vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Hòm phiếu để phục vụ công tác bầu cử phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Việc chuẩn bị hòm phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh. Hòm phiếu có thể được đóng mới hoặc sử dụng hòm phiếu bầu cử hiện có. Hòm phiếu phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU”. Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) và băng niêm phong hòm phiếu.
6. Hòm phiếu phụ là gì? Trong trường hợp nào thì dùng hòm phiếu phụ?
Hòm phiếu phụ là hòm phiếu dự phòng và có thể được di chuyển ra khỏi phòng bỏ phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ; người đang bị cách ly xã hội tập trung tại các cơ sở điều trị Covid-19 hoặc các địa điểm cách ly tập trung khác và người đang bị cách ly tại nhà (nếu có); những khu vực bị chia cắt do thiên tai, lũ lụt thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến các địa điểm nêu trên để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Sau khi những cử tri này bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử phải mang ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu.
7. Phiếu bầu cử được quy định như thế nào?
Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp phải được in riêng từng loại trên 01 mặt trang giấy A5 (21cm x 14,8cm) theo chiều dọc khổ giấy.Màu sắc từng loại phiếu bầu cử do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn nhưng không được trùng màu với các loại Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội hay Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp khác trên cùng địa bàn.
Phiếu bầu cử hợp lệ phải có dấu của Tổ bầu cử ở góc phía trên bên trái. Trên phiếu phải ghi rõ:
- Tên đơn vị bầu cử.
- Tên phiếu bầu cử (Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV hay Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mấy, nhiệm kỳ 2021-2026 của đơn vị hành chính cụ thể nào).
- Số lượng đại biểu Quốc hội được bầu do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định cho đơn vị bầu cử đó đối với Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu do Ủy ban bầu cử tương ứng ấn định cho đơn vị bầu cử đó đối với Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Phần ghi họ và tên những người ứng cử tại đơn vị bầu cử xếp tên theo vần chữ cái A, B, C... như trên Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu đã được công bố. Họ và tên mỗi người ứng cử ghi ở một dòng riêng. Đằng trước họ và tên có từ "Ông" hoặc "Bà" tương ứng với giới tính của từng người ứng cử. Trường hợp người ứng cử có tên khai sinh, tên thường gọi khác nhau hoặc có tên gọi khác thì ghi tên khai sinh trước; tên thường gọi, tên gọi khác hoặc pháp danh kèm theo pháp hiệu được ghi và đặt trong dấu ngoặc đơn ở phía sau. Có thể viết trong cùng 01 dòng hoặc tách thành 02 dòng liền nhau nhưng có cùng kiểu chữ, cỡ chữ.
Trường hợp họ và tên của những người ứng cử có phần tên giống nhau thì căn cứ vào phần họ để xác định thứ tự; trường hợp phần họ cũng giống nhau thì căn cứ vào phần tên đệm. Trường hợp trùng hoàn toàn cả họ, tên và tên đệm thì xếp theo ngày tháng năm sinh; người nào có ngày tháng năm sinh sớm hơn thì được xếp trước; trên Phiếu bầu cử sẽ ghi thêm ngày tháng năm sinh trong dấu ngoặc đơn ngay cạnh phần họ và tên của những người ứng cử có họ và tên giống nhau.
Việc tổ chức in ấn Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện; việc tổ chức in ấn Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào do Ủy ban nhân dân ở cấp đó thực hiện. Các địa phương căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, danh sách cử tri của địa phương để quyết định tổng số phiếu bầu cử cần in (bao gồm cả tỷ lệ phiếu dự phòng cần thiết). Việc in ấn, bàn giao, quản lý phiếu bầu cử phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Tại các khu vực bỏ phiếu, trước khi mở hòm phiếu để kiểm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm đếm, thống kê, lập biên bản và niêm phong toàn bộ số phiếu bầu cử chưa sử dụng, số phiếu gạch hỏng bị đổi trả lại theo đúng quy định.
8. Việc bỏ phiếu được thực hiện như thế nào?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau:
- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
- Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay.
- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri.
- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
9. Việc cử tri ghi phiếu bầu cử được thực hiện như thế nào?
Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu. Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
Trường hợp có phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.
Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, trường hợp cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng có chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.
Trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn do có sự giống nhau cả họ, tên và tên đệm, nếu cử tri không tín nhiệm người này thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.
Nếu cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu khác do gạch hỏng, Tổ bầu cử phải thu hồi phiếu gạch hỏng của cử tri, sau đó mới được phát phiếu bầu khác.
10. Trường hợp nào thì cử tri được nhờ người khác viết hộ phiếu, bỏ hộ phiếu bầu cử?
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu cử thì được nhờ người khác viết hộ, người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu cử của cử tri.
Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu bầu cử được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
11. Thẻ cử tri sau khi công dân đã bỏ phiếu xong thì xử lý như thế nào?
Sau khi cử tri bỏ phiếu bầu cử xong, thành viên Tổ bầu cử có trách nhiệm nhắc cử tri xuất trình lại Thẻ cử tri và đóng dấu “Đã bỏ phiếu” lên mặt trước của Thẻ cử tri. Cử tri được giữ lại Thẻ cử tri; cử tri không được xuất trình Thẻ cử tri đã đóng dấu “Đã bỏ phiếu” để yêu cầu tham gia bỏ phiếu.
12. Việc xử lý đối với một số tình huống đặc biệt có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử được thực hiện như thế nào?
- Trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở địa phương trong thời gian gần đến ngày bầu cử, thì Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cho những cử tri bị ảnh hưởng do mắc bệnh hoặc do phải cách ly để họ nhận phiếu bầu cử và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
- Trường hợp xảy ra mưa lũ, thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến các phòng bỏ phiếu thì Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến giúp những cử tri này nhận phiếu bầu cử và thực hiện việc bầu cử.
- Trong trường hợp các tình huống phát sinh trên đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phường giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền thì Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh báo cáo Hội động bầu cử quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này.
- MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH KỂ TỪ NGÀY 01/4/2021 (24/03/2022)
- UBND THỊ XÃ QUẢNG TRỊ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019 VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH (24/03/2022)
- HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN; LUẬT THANH NIÊN NĂM 2020 VÀ PHÁT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG CUỘC THI TRỰC TUYẾN (24/03/2022)
- UBND THỊ XÃ QUẢNG TRỊ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ, HỘI VIÊN PHỤ NỮ VỀ LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN; LUẬT PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM; LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (24/03/2022)
- MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2015. TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 3/2021 (24/03/2022)
- MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH TỪ NGÀY 01/3/2021. TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT THÁNG 03/2021 (24/03/2022)
- MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH 135/2020/NĐ-CP NGÀY 18/11/2020 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ TUỔI NGHỈ HƯUTAI LIEU TUYEN TRUYEN PHO BIEN PHAP LUAT THANG 02/20210 (24/03/2022)
- THÔNG TƯ 10/2020/TT-BTP BAN HÀNH, HƯỚNG DẪN VIỆC GHI CHÉP, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ VÀ LƯU TRỮ SỔ, MẪU GIẤY TỜ, HỒ SƠ NUÔI CON NUÔI (24/03/2022)
- MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI (24/03/2022)
- MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ (24/03/2022)
- Đang truy cập8
- Hôm nay1743
- Tổng lượt truy cập2.116.731
- pageHolder.getStart() - 0
- pageHolder.getNumberObjects() - 3
- numberArticle - 3
- numberRelation - 0