Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI NĂM 2014; LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI NĂM 2020

13:40, Thứ Năm, 24-3-2022

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 5/2021

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI NĂM 2014; LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI NĂM 2020
 


1. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội
Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định:
1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
2. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
3. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.
2. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội
Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như sau:
1. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
3. Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội
Điều 25, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định:
Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội được bầu bổ sung bắt đầu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.
4. Trách nhiệm với cử tri
Điều 27, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định:
1. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
2.  Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội; cử tri hoặc đại diện cử tri có thể góp ý kiến với đại biểu Quốc hội tại hội nghị cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương tổ chức trong trường hợp cần thiết.
5. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân
Điều 28, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân như sau:
1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
2. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.
6. Việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội
Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định:
1. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.
Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
2. Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật.
7. Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội
Điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định:
1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay40
  • Tổng lượt truy cập1.888.532