Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Tăng cường chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn trước, trong và sau trổ

Post date: 02/08/2023

       Để chủ động trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả, đảm bảo vụ mùa thắng lợi, Phòng Kinh tế thị xã vừa có văn bản đề nghị UBND các phường, xã tập trung tăng cường chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn trước, trong và sau trổ.

          Vụ Hè thu 2023 toàn thị xã đã gieo cấy được 254,97 ha lúa, hiện nay cây lúa đang giai đoạn ôm đòng - trổ bông. Tuy nhiên, thời gian qua thời tiết khô hạn kết hợp các đợt mưa dông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại như: Chuột, bệnh khô vằn, nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng bắt đầu phát sinh gây hại các vùng.

Dự báo thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng xen kẽ có mưa rào và dông sẽ là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ nếu không được phòng trừ kịp thời. Để chủ động trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả, đảm bảo vụ mùa thắng lợi, Phòng Kinh tế thị xã Quảng Trị đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn trước, trong và sau trổ.

Cụ thể, đối với diện tích lúa chưa trổ, cần tăng cường công tác chăm sóc, đặc biệt trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá giàu kali như: Kali Humat, Siêu kali... để phun lên lá giúp lúa trổ nhanh, trổ thoát, tăng tỉ lệ hạt chắc và cứng cây, hạn chế đổ ngã.

Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 380C, nhất là giai đoạn lúa trổ bông, phơi mao, ở những chân ruộng có điều kiện, cần giữ nước cao trong ruộng lúa từ 10 – 15 cm nhằm hạn chế tỉ lệ hạt lép và thoái hóa đầu bông. Trước khi thu hoạch 5 – 7 ngày cần rút nước để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch.

Bên cạnh đó, tăng cường điều tra phát hiện để kịp thời phòng trừ nhện gié khi phát hiện triệu chứng gây hại với tỉ lệ từ 5% trở lên. Theo dõi chặt chẽ mật độ rầy, sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng; tiến hành phun thuốc trừ rầy ở những nơi có mật độ trên 750 con/m2; phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ ở những nơi có mật độ khoảng 10 – 20 con/m2 trở lên, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1 – 2 hoặc sau khi bướm ra rộ 5 – 7 ngày.

Thực hiện: Khánh Huyền

More

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1324
  • Tổng lượt truy cập1.897.006