Lịch sử hình thành - Thị xã Quảng Trị
Lịch sử hình thành
Cuối thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, đời Sơ Bình (190-193), nhà Đông Tấn Trung Quốc suy yếu, Vương quốc Chăm Pa, một nước mới thành lập ở phía nam đèo Hải Vân đem quân đánh chiếm và xác lập ách thống trị của mình lên vùng đất bộ Việt Thường. Vùng đất này trở thành biên địa phía bắc của vương quốc Chăm Pa độc lập với cơ cấu 5 châu: Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, Ô và Rí (Lý), vùng đất thị xã Quảng Trị thuộc châu Ô.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân đánh vào kinh thành Chăm Pa, bắt được vua Chế Củ. Chế Củ xin dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để được trả tự do. Nhà Lý đổi 3 châu đó thành châu Lâm Bình và Minh Linh.
Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân sai sứ dâng chiếu cầu hôn em gái vua Trần Anh Tông của Đại Việt. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu Ô và Rí (Lý) do Chế Mân dâng làm vật sính lễ. Nhà Trần đổi châu Ô làm Thuận Châu, châu Lý làm Hoá Châu. Vùng đất thị xã Quảng Trị ngày nay thuộc Thuận Châu.
Đời Hậu Lê, năm 1466, vua Lê Thánh Tông đổi hai châu Thuận và Hóa thành hai phủ Tân Bình và Triệu Phong thuộc xứ Thuận Hóa. Phủ Triệu Phong gồm các huyện Vũ Xương, Hải Lăng… Vùng đất thị xã Quảng Trị thuộc huyện Hải Lăng.
Năm 1558, do mâu thuẫn với anh rể là Trịnh kiểm, Nguyễn Hoàng - con trai thứ của Thái tổ Nguyễn Kim - xin vào trấn thủ xứ Thuận Hoá. Từ khi đặt chân lên dải đất của phía nam Hoành Sơn đến khi mất (1558-1613), Nguyễn Hoàng lần lượt đóng bản doanh ở gò phù sa Ái Tử (1588), làng Trà Bát (1570). Năm 1600, Nguyễn Hoàng lại dời phủ tới Dinh Cát (phía Đông Ái Tử), chăm lo mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, văn hoá. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: dưới thời Nguyễn Hoàng, ở hai trấn Thuận, Quảng “…chính lệnh khoan hòa thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, khuyên răn bản bộ, trấn áp những kẻ hung ác, dân hai trấn đều cảm lòng, mến đức; thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, đổi trao phải giá, quân lệnh nghiêm cấm, mọi người ra sức”.
Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn xây dựng xứ Thuận Hóa dần dần trở thành bờ cõi riêng và xưng chúa, biến Thuận Hóa trở thành nơi sầm uất nhất của xứ Đàng trong.
Từ đầu thế kỷ XVIII đến năm 1774, các chúa kế nghiệp Nguyễn Hoàng, đặc biệt là Nguyễn Phúc Thuần, bằng chính sách cai trị hà khắc, đã thả lỏng cho bọn quan lại tha hồ bóc lột, đục khoét nhân dân. Chính vì vậy, từ giữa thế kỷ XVIII, những cuộc nổi dậy của nhân dân Đàng Trong liên tiếp nổ ra, nổi bật nhất là phong trào nông dân Tây Sơn.
Sau khi Nguyễn Huệ qua đời (16-9-1792), lợi dụng tình hình phong trào Tây Sơn gặp khó khăn và dựa vào sự chi viện của ngoại bang, Nguyễn Ánh cất quân phản kích. Tháng 6-1801, Nguyễn Ánh tiến chiếm Phú Xuân, năm 1802 lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long. Sau khi giành lại được chính quyền, Nguyễn Ánh lập dinh Quảng Trị bao gồm đất đai các huyện Hải Lăng, Đăng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ (mới lập). Đến năm 1827, dinh Quảng Trị đổi là trấn Quảng Trị. Năm 1831, trấn Quảng Trị được đổi thành tỉnh Quảng Trị. Dinh lỵ Quảng Trị ban đầu đóng tại làng Tiền Kiên (thuộc huyện Đăng Xương), năm 1809, được dời từ Tiền Kiên tới đóng tại xã Thạch Hãn (huyện Hải Lăng), tức vị trí của thị xã Quảng Trị sau này và tiến hành xây thành, đắp lũy cố định. Ban đầu, thành được đắp bằng đất, đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thành được xây dựng bằng gạch nung. Kể từ đó, vùng đất thị xã Quảng Trị trở thành dinh lị của tỉnh Quảng Trị cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi.
Năm 1853, tỉnh Quảng Trị với phủ Thừa Thiên hợp nhất thành đạo Quảng Trị. Năm 1876 lập lại tỉnh Quảng Trị. Năm 1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định hợp nhất Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị. Năm 1896, toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định tách Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền Công Sứ Đồng Hới, hợp cùng với Thừa Thiên đặt dưới quyền Khâm sứ Trung Kỳ. Năm 1900, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Quảng Trị khỏi Thừa Thiên, lập thành tỉnh Quảng Trị riêng biệt. Ngày 17-2-1906, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị (tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị).
Sau hiệp định Giơ - ne - vơ, thị xã Quảng Trị nằm ở Nam vĩ tuyến 17, thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Chính quyền Ngô Đình Diệm cải đặt thị xã Quảng Trị thành Nha đại diện hành chính Quảng Trị; năm 1958 Nha đại diện hành chính Quảng Trị bị bãi bỏ, thị xã Quảng Trị trở thành xã Quảng Trị thuộc quận Hải Lăng; năm 1965 xã Quảng Trị trở thành một trong bảy xã của quận Mai Lĩnh.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất, thị xã Quảng Trị và thị xã Đông Hà hợp nhất thành một đơn vị hành chính lấy tên là thị xã Quảng Trị, trung tâm đóng tại Đông Hà. Một phần vùng đất thị xã Quảng Trị trở thành huyện lỵ của huyện Triệu Phong. Tháng 1-1977, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định thành lập thị trấn Triệu Phong trên vùng đất thị xã Quảng Trị. Tiếp đó, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng hợp nhất thành huyện Triệu Hải, thị trấn Triệu Phong được đổi thành thị trấn Triệu Hải. Ngày 18-5-1981, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập thị trấn Quảng Trị (bao gồm thị trấn Triệu Hải và xã Hải Trí).
Sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại vào ngày 1-7-1989, theo nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân và xu thế phát triển của tình hình mới, ngày 16-9-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định số 134/QĐ-HĐBT thành lập thị xã Quảng Trị gồm 2 phường với diện tích 6,341 km2. Ngày 19-3-2008, Chính phủ ra Nghị định số 31/2008/NĐ-CP V/v điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong để mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị, điều chỉnh địa giới hành chính các xã, phường để thành lập phường thuộc thị xã Quảng Trị với cơ cấu 4 phường và 1 xã, gồm: phường 1, 2, 3, An Đôn và xã.Hải Lệ
Lê Ngọc Vũ (TP.Văn hóa và Thông tin TXQT)
- Đang truy cập5
- Hôm nay216
- Tổng lượt truy cập1.820.689
- pageHolder.getStart() - 0
- pageHolder.getNumberObjects() - 3
- numberArticle - 3
- numberRelation - 0