Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Trung đoàn 48 và ký ức Thành Cổ

Post date: 30/08/2022

Tháng 7 – tháng của miền ký ức, tri ân đã lại về trên mảnh đất anh hùng Quảng Trị. Nơi đây 50 năm về trước, cũng vào những ngày hè đỏ lửa, một trận đối đầu lịch sử đầy khốc liệt đã diễn ra. Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống. Trong đó, có những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 Thạch Hãn cùng với khẩu hiệu chiến đấu còn mãi với thời gian: “Quang Sơn còn – Quảng Trị còn”.

Một ngày đầu tháng 7, những người lính một thời chiến đấu tại Thành Cổ, trở lại nơi chiến trường xưa. “Quang sơn còn – Quảng Trị còn”, đấy chính là khẩu hiệu tinh thần của các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 48 với biệt danh lúc bấy giờ là Trung đoàn Quang Sơn. Cuối tháng 6/1972, từ yêu cầu của chiến trường, Trung đoàn 48 được nhận trọng trách bảo vệ thị xã – Thành Cổ Quảng Trị, để sẵn sàng đối phó với lực lượng đối phương trong cuộc hành quân Lam Sơn 72 hòng tái chiếm lại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, Trung đoàn 48 đã bước vào thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tác chiến tại thị xã Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm.

Hoài niệm lại những ký ức xưa, CCB Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B Ông Đăng Văn Thước bồi hồi chia sẻ: “Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị không chỉ ác liệt mà còn rất gian khổ. Những hôm trời mưa rất to, hầm lụt, chúng tôi không có chỗ nào để nghỉ ngơi. Thức ăn cũng chỉ gói ghém với chút lương khô và gạo sấy, nước uống phải lấy từ giếng lọc bằng viên thuốc lọc. Tuy gian khổ nhưng không ai trong chúng tôi nhụt chí, các đồng chí, đồng đội luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ khó khăn, tiếp thêm động lực, tinh thần để cùng quyết tâm giữ vững trận địa.”

Một trung đoàn của ta lúc bấy giờ phải đương đầu với một lực lượng mạnh của địch, gồm lính thủy đánh bộ, sư đoàn dù, sư đoàn 1, 2 bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn tăng-thiết giáp cùng nhiều đơn vị công binh, không quân, hải quân của Quân khu 1 hỗ trợ.

Đặc biệt, Mỹ tăng cường gấp 2 lần máy bay B52 chi viện trực tiếp với mật độ cao và cường độ rất lớn, rải xuống mảnh đất nhỏ bé này chỉ trong gần 3 tháng số lượng bom tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật). Với khẩu hiệu “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã kiên cường đánh trả, sẵn sàng hy sinh đến cùng để giữ lấy thành cổ. Chỉ trong 81 ngày đêm, hàng ngàn người lính trung đoàn đã ngã xuống, bằng máu xương mình viết nên những huyền thoại rất đỗi thiêng liêng.

Ông Đỗ Đức Phòng – CCB Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B cho biết thêm: “Chúng tôi tham gia tập kích tại đây, tiến hành bắn 2 quả B40, lúc này, đich cũng bẳn trả một khối phóng lựu M79. Quá trình tham gia chiến đấu, tôi bị một mảnh súng găm vào chân mắt. Lúc này, máu chảy rất nhiều nhưng tôi vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu đến cùng.”

Khẩu hiệu “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn” được lưu giữ cho đến hôm nay thể hiện quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ngày nay, để tri ân các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, ngay bên dòng sông huyền thoại Thạch Hãn, đài chứng tích “Quang Sơn còn – Quảng Trị còn” đã được xây dựng nên. Đài chứng tích không chỉ góp phần soi sáng lịch sử, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đi trước. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Thực hiện: Khánh Huyền

More

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1166
  • Tổng lượt truy cập1.902.807