Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

NHỮNG LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ 01/7/2020

Post date: 24/03/2022

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 7 NĂM 2020

Từ ngày 01/7/2020, 12 Luật sẽ có hiệu lực bao gồm:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tập trung vào một số chính sách lớn như liên thông trong công tác cán bộ, đổi mới công tác tuyển dụng, sửa đổi công tác đánh giá cán bộ… Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức. Bổ sung thêm 01 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”Khoản 7 Điều 1 Luật này nêu rõ, sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, đồng thời việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của hành vi vi phạm.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sửa đổi, bổ sung 5/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…; sửa đổi, bổ sung 38/143 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương;…
Theo Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi, bổ sung, Chính phủ sẽ quyết định số lượng biên chế tối thiểu, theo đó: Quyết định số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; Quyết định quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; Quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...
3. Luật Lực lượng dự bị động viên
Luật Lực lượng dự bị động viên có 5 chương với 41 điều được ban hành nhằm tạo khung hành lang pháp lý về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Luật sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
4. Luật Dân quân tự vệ
Luật Dân quân tự vệ năm 2019 gồm 8 chương với 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ. Luật đã thể chế hóa đường lối, quan điểm mới của Đảng liên quan đến dân quân tự vệ, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.
Luật đã bổ sung thêm một số trường hợp được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự như nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an; lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo...
5. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương, 28 điều. Theo quy định của Luật, bí mật nhà nước có ba thuộc tính cơ bản: Bí mật nhà nước là thông tin quan trọng; là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc; phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật này. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hình thức chứa bí mật nhà nước, bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. 
Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm, đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật cũng quy định khi hết thời hạn bảo vệ, nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ nêu trên. 
6. Luật Giáo dục
Luật Giáo dục năm 2019 gồm 9 chương, 115 điều thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Luật Giáo dục năm 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm…
Luật quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học, Luật quy định trình độ chuẩn được đào tạo từ đại học lên thạc sĩ. Đối với nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
7. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 8 chương với 52 điều. Luật được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi các quy định liên quan đến việc cấp thị thực điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; ký hiệu và thời hạn của thị thực. Trong đó có sửa đổi về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh, cụ thể:
* Người nước ngoài được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau:
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
- Chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú còn giá trị;
- Không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.
* Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định.
- Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh.
Trường hợp người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải có đủ các điều kiện như trên và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quy định.
9. Luật Thư viện
Luật Thư viện được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam; khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật có 6 chương với 52 điều. Luật quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.
10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán; khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.
11. Luật Quản lý thuế
Luật Quản lý thuế gồm 17 chương, 152 điều. Luật sửa đổi phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế. Quy định về quản lý thuế đối với giao dịch điện tử, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
12. Luật Kiến trúc
Luật Kiến trúc gồm 5 Chương, 41 Điều đã bao quát 2 nội dung chính sách cơ bản là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Nội dung Quản lý kiến trúc bao gồm các điều về yêu cầu về kiến trúc đối với khu vực đô thị; nông thôn; quản lý thiết kế kiến trúc; quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị; quy chế quản lý kiến trúc, Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; quản lý lưu trữ tài liệu.
Luật quy định lấy ngày 27 tháng 4 hằng năm là ngày Kiến trúc Việt Nam.

More

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay134
  • Tổng lượt truy cập2.117.955