Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Hội nông dân thị xã Quảng Trị thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững

Post date: 14/06/2023

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã Quảng Trị theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thị xã Quảng Trị đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn thị xã Quảng Trị.

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững và Đề án “ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn”, nhiệm kỳ qua, hội viên, nông dân thị xã Quảng Trị đã đoàn kết, chịu thương, chịu khó, năng động, sáng tạo trong tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc điểm tình hình, lợi thế của địa phương, đem lại giá trị trên một đơn vị diện tích.

Tận dụng diện tích mặt hồ nước tự nhiên, các hộ dân ở thôn Tân Lập, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã phát triển nhân rộng mô hình nuôi cá chình lồng và nuôi cá trắm cỏ trên sông, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nơi đây.

Ông Trần Quỳnh, Chi hội nghề nghiệp đánh cá thôn Tân Lập, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị chia sẻ: “ Nơi đây có 10 hộ gia đình triển khai mô hình nuôi cá lồng trên sông, trong đó 2 hộ nuôi cá chình, 8 hộ nuôi cá trắm cỏ. Tôi thấy mô hình nuôi cá trắm cỏ rất phừ hợp, chi phí đầu tư ít, chỉ cần bỏ ra công sức, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình tôi năm nay triển khai nuôi 2 lồng cá trắm cỏ với khoảng 180 con, đến nay, sau hơn 6 tháng thả nuôi, cá đã gần thu hoạch với trọng lượng mỗi con hiện tại khoảng 2,5kg. Đến khoảng tháng 7, cá bán ra khoảng 3,5 – 4kg thì thu nhập được từ 20 – 25 triệu đồng/ 2 lồng nuôi.”

Với quyết tâm khởi nghiệp tại địa phương, sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi, năm 2022, anh Mai Văn Đại và Mai Văn Lợi ở khu phố 1, phường 1 đã triển khai mô hình nuôi dúi tại địa phương. Mặc dù mới được triển khai thực hiện, nhưng qua đánh giá, mô hình mang lại hiệu quả tốt, chi phí đầu tư thấp, không cần nhiều lao động, không gây ô nhiễm môi trường trong khi giá trị kinh tế mang lại rất cao.

Nói về hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi dúi, anh Mai Văn Lợi, Khu phố 1, phường 1, thị xã Quảng Trị cho biết: “Mỗi con dúi non từ khi sinh ra đến khoảng 2 - 3 tháng có trọng lượng từ 400 - 500 gram, có thể bán giống từ 1 - 1,2 triệu đồng/cặp. Đối với dúi thương phẩm, thời gian nuôi từ 6 - 7 tháng, có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,8kg/con. Loài nuôi này thịt thơm ngon và có nhiều chất dinh dưỡng nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Phần lớn người mua đến tận nơi để đặt hàng với giá dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg.”

                    

              Triển vọng kinh tế từ mô hình nuôi dúi của anh Mai Văn Lợi ở khu phố 1, phường 1, thị xã Quảng Trị

Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên, nông dân như nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Hội NDVN cũng đã quan tâm, triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc chuyển đổi số và hội nhập.

Hội đã tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; đào tạo cho hội viên, nông dân; tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm…

Bà Trần Thị Minh Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Quảng Trị cho biết thêm: “Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã, trong thời gian qua, Hội Nông dân thị xã đã tích cực chỉ đạo các cơ sở hội, vận động động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đồng thời tiến hành khảo sát để xây dựng các mô hình phù hợp trên địa bàn. Theo đó, trên địa bàn xã Hải Lệ và phường An Đôn đã triển khai một số mô hình mới, triển vọng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi dúi, mô hình nuôi lươn thương phẩm, mô hình nuôi ốc bươu, mô hình nuôi gà an toàn sinh học… Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai xây dựng một số mô hình mới như mô hình trồng hành tím, mô hình trồng hoa để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.”

                                                                             Ngọc Lan - Khánh Huyền

More

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay13
  • Tổng lượt truy cập1.891.060