Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH TỪ NGÀY 01/01/2020

13:55, Thứ Năm, 24-3-2022

Tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở tháng 01/2020

1. Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã ban hành Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 gồm 16 Chương với 207 Điều, trong đó nổi bật là quy định về chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân. Kể từ năm 2020, bổ sung thêm 02 đối tượng được bố trí giam giữ riêng là: người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam. Về chế độ lao động phạm nhân được bố trí 01 ngày trong tuần để học tập, học nghề trừ ngày chủ nhật, lễ, tết. Thời gian lao động không quá 08 giờ/ngày và 05 ngày/tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết. Trường hợp đột xuất có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không vượt quá số giờ làm trong ngày. Phạm nhân làm thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng hiện vật. Trường hợp phạm nhân bị bệnh, đang điều trị tại cơ sở y tế; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh có xác nhận của cơ sở y tế; phạm nhân nữ có thai sẽ được nghỉ lao động. Luật cũng quy định việc tổ chức lao động cho phạm nhân. Căn cứ vào khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân, giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động động cho phạm nhân. Khi kế hoạch được phê duyệt, phạm nhân có thể lao động ngoài trại giam.
Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
2Ngày 13/6/2019, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14
Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A do địa phương quản lý, trừ các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ. Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án sau: chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương không thuộc thẩm quyền của Quốc hội; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…Hội đồng nhân dân các cấp có quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu, trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Việc phân loại các nhóm dự án được thực hiện dựa trên mức độ quan trọng, tổng mức đầu tư, lĩnh vực dự án… Dự án nhóm A bao gồm: Dự án quan trong quốc gia; Dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh; Dự án sản xuất chất độc hại, thuộc nổ; Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Dự án có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực giao thông, công nghiệp điện, khai thác dầu khí, hóa chất, phân bón, xi măng… Các dự án còn lại tùy thuộc vào mức đầu tư được phân loại vào nhóm dự án B, C. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được lập dự trên các căn cứ sau: tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn trước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương; kế hoạch tài chính năm; kế hoạch vay, trả nợ công năm và quy hoạch có liên quan Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
3. Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14
Theo đó, để phòng ngừa tai nạn giao thông, lần đầu tiên Quốc hội cụ thể hóa quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông vào trong Luật. Luật nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cấm sử dụng người lao động chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên không được uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Ngoài ra, Luật quy định rõ các địa điểm sau không được uống rượu, bia: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia…   Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
4. Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14
Luật Chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi. Theo đó, giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi phải công bố tiêu chuẩn áp dụng; có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng; đáp ứng yêu cầu kiểm dịch theo quy định mới được lưu thông trên thị thị trường. Ngoài ra, Luật có nhiều quy định mới liên quan đến đối xử nhân đạo với vật nuôi cũng được, cụ thể: các cơ sở giết mổ phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Trong quá trình giết mổ, phải hạn chế sự sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi…Đối với người chăn nuôi, phải cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh, đặc biệt không được đánh đập, hành hạ vật nuôi. Riêng với việc chăn nuôi chó, mèo, Luật yêu cầu chủ nuôi phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo. Trong trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y.
Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
5. Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14
Theo Luật Trồng trọt, phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại. Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm và được gia hạn. Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón bao gồm: đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón; có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trừ loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật gồm: Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
6. Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón
Theo đó, tổ chức khảo nghiệm phân bón phải có số lượng nhân lực thực hiện khảo nghiệm, cụ thể: ngoài người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm phải có 05 nhân lực chính thức thực hiện khảo nghiệm (bao gồm viên chức ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên). Tổ chức khảo nghiệm phân bón bị thu hồi quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón trong trường hợp: giả mạo, cấp khống số liệu báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón; tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung quyết định đã được cấp; không có hành động khắc phục khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử trong vòng 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận thông tin vi phạm. Tổ chức bị thu hồi quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón được xem xét tiếp nhận lại hồ sơ đề nghị cấp quyết định công nhận sau 24 tháng, từ ngày có quyết định thu hồi. Nghị định số 84/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
7. Ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP về việc quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Theo đó, ngoài áp dụng theo các quy định chuyên ngành, Điều ước quốc tế, Nhà nước áp dụng miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm trước khi thông quan với 04 trường hợp: hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế; hàng hóa nhập khẩu trong danh mục và định lượng miễn thuế phục vụ cho công tác, sinh hoạt của tổ chức được miễn trừ ngoại giao; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ; hành lý của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế. Bên cạnh đó, Nhà nước còn miễn kiểm tra về chất lượng hàng hóa trước khi thông quan đối với 03 trường hợp sau: hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế; hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Các loại hàng hóa nói trên không được miễn kiểm tra nếu: các cán bộ quản lý ngành, lĩnh vực cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan bệnh dịch, gây nguy hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, an ninh quốc gia; có văn bản dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Nghị định số 85/2019/NĐ-CPcó hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
8. Ngày 15/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung
Theo đó, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp hàng không khai thác đến 10 tàu bay là 300 tỷ đồng Việt Nam, khác với quy định cũ là 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 300 tỷ đồng Việt Nam nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. Đối với doanh nghiệp khai thác từ 11 đến 30 tàu bay thì mức vốn tối thiểu là 600 tỷ đồng (bằng mức quy định cũ đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa). Thời gian Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kết quả thẩm định với Bộ Giao thông Vận tải cũng được giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Ngoài ra, Nghị định cũng bãi bỏ quy định về việc doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không đăng tải nội dung của giấy phép trên 03 số báo liên tiếp các, sau khi được cấp phép. Nghị định số 89/2019/NĐ-CPcó hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
9. Ngày 12/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai
Theo Nghị định số 83/2019/NĐ-CP, Quỹ phòng, chống thiên tai chi hỗ trợ tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ kinh phí tối đa lên đến 03 tỷ đồng/1 công trình. Bên cạnh đó, sửa đổi mức hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ phòng, chống thiên tai nhưng không vượt quá 3% tổng số thu (mức hỗ trợ cũ không vượt quá 5% số thu thực tế hằng năm trên địa bàn cấp xã). Nghị định này cũng bổ sung quy định mới về phân bổ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp và giao Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã sử dụng nguồn thu từ Quỹ phòng, chống thiên tai nhưng tối đa không quá 20% số thu trên địa bàn cấp huyện, xã để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ở cấp của mình. Nghị định số 83/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
10. Ngày 05/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
Theo Nghị định số 73/2019/NĐ-CP,dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin căn cứ vào mức độ quan trọng và quy mô được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C theo quy định của Luật Đầu tư công. Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách Nhà nước thời hạn tối thiểu bảo hành sản phẩm của dự án được tính từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu bàn giao, đưa sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án vào khai thác, sử dụng, cụ thể: thời gian bảo hành 24 tháng với sản phẩm của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A. Đối với sản phẩm của dự án nhóm B, C thời hạn bảo hành là 12 tháng. Mức tiền bảo hành tối thiểu được tính bằng tỷ lệ % giá trị sản phẩm của dự án, tương ứng 03% đối với sản phẩm có thời hạn bảo hành 24 tháng và 05% đối với dự án có thời hạn bảo hành 12 tháng. Nhà thầu có trách nhiệm nộp thư bảo lãnh của ngân hàng có giá trị tương đương cho chủ đầu tư hoặc các hình thức khác được chủ đầu tư chấp nhận. Nhà thầu chỉ được hoàn trả bảo lãnh sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành.
Nghị định số 73/2019/NĐ-CPcó hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
11. Ngày 15/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương cho người lao động. Với người lao động làm công việc đòi hỏi lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề, mức lương phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng trên.Theo đó, Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau: Thứ nhất, mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Thứ hai, mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Thứ ba, mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III...So với năm 2019, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 150.000 đồng/tháng - 240.000 đồng/tháng. Nghị định số 90/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
12. Ngày 19/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Nghị định bổ sung quy định mới xử phạt với trường hợp tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Sổ đỏ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua. Mức phạt tiền với trường hợp trên căn cứ vào thời gian và phạm vi căn hộ công trình xây dựng vi phạm. Cụ thể, vi phạm từ 50 ngày đến 06 tháng mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ; tối đa 50 triệu đồng với phạm vi từ 30 đến 100 căn hộ, trên 100 căn hộ với mức phạt tối đa 100 triệu đồng. Vi phạm thời gian từ 6 đến 9 tháng mức phạt cao nhất lên tới 300 triệu đồng với trường hợp từ 100 căn hộ. Đặc biệt vi phạm từ 12 tháng trở lên với phạm vi từ 100 căn hộ sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng và buộc nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua. Với cá nhân, Nghị định cũng quy định trường hợp Toà án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu liên quan đến đất đai để thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ giải quyết tranh chấp mà quá thời hạn không cung cấp sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Trường hợp cá nhân sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan tới đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triêu đồng. Nghị định số 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/1/2020.
13. Ngày 20/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2019/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2019-2020
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia có tên trong Danh mục hàng hóa này được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%. Cụ thể: Thứ nhất, nhóm hàng gia cầm sống, gồm các loại gà thuộc loài Gallus domesticus, vịt, ngan, ngỗng, gà tây và gà lôi. Thứ hai, nhóm hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. Thứ ba, quả thuộc chi cam quýt, tươi hoặc khô như quả chanh vàng (Citrus limon, Citrus limonum) và quả chanh xanh (Citrus aurantifolia, Citrus latifolia). Thứ tư, lúa gạo gồm thóc để gieo trồng, gạo lứt (gạo Hom Mali). Thứ năm, bánh mì, bánh bột nhào (pastry), bánh nướng, bánh quy và các loại bánh khác, có hoặc không chứa ca cao; bánh thánh, vỏ viên nhộng dùng trong ngành dược, bánh xốp sealing water, bánh đa và các sản phẩm tương tự… Nghị định số 92/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/01/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
14. Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2019/NĐ-CP về việc quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Theo đó, mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn giữ nguyên như quy định cũ, cụ thể: ngân hàng thương mại là 3.000 tỷ đồng; ngân hàng chính sách là 5.000 tỷ đồng; ngân hàng hợp tác xã là 3.000 tỷ đồng; công ty tài chính là 500 tỷ đồng; công ty cho thuê tài chính là 150 tỷ đồng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15 triệu đô la Mỹ (USD). Đặc biệt, bổ sung mức vốn pháp định của tổ chức tài chính vi mô là 05 tỷ đồng. Ngoài ra, mức vốn pháp định của Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn là 0,5 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường, liên xã, liên xã phường, liên phường là 01 tỷ đồng (quy định cũ chỉ là 0,1 tỷ đồng).
Nghị định số 86/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
15. Ngày 25/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Theo đó, quỹ xã hội, quỹ từ thiện do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau: quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có 6,5 tỷ đồng (quy định cũ chỉ yêu cầu quỹ có 05 tỷ đồng); quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh có 1,3 tỷ đồng; quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện có 130 triệu đồng; quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã có 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng bổ sung những hành vi nghiêm cấm trong việc thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ như sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng hoặc hỗ trợ tài sản được ngân sách Nhà nước giao hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để tham gia góp tài sản thành lập quỹ. Đặc biệt, cá nhân, tổ chức nước ngoài được góp tài sản cùng công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, tài sản đóng góp thành lập quỹ của cá nhân, tổ chức nước ngoài không được vượt quá 50% số tài sản đóng góp thành lập quỹ. Ngoài ra, trường hợp tài sản đóng góp thành lập quỹ bao gồm cả tài sản khác không bao gồm tiền đồng Việt Nam thì số tiền đồng Việt Nam phải đảm bảo tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản. Nghị định số 93/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
16. Ngày 17/12/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu
Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT yêu cầu, cơ sở sản xuất, nhập khẩu in nhãn năng lượng theo mẫu và thực hiện dán trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn nãy được duy trì trên xe tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai lại thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng khi tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng thay đổi; kiểu loại xe đã được công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng có những thay đổi mà không đáp ứng được điều kiện mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải; công khai sai mức tiêu thụ nhiên liệu hoặc kết quả kiểm tra, giám sát theo quy định phát hiện mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế vượt quá 4% so với mức công khai của cơ sở. Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
17. Ngày 14/11/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 79/2019/TT-BTC về việc hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công
Theo đó, Thông tưquy định các mẫu chứng từ kế toán in sẵn phải được bảo quản cẩn thận, không được để hư hỏng, mục nát; Séc, biên lai thu tiền và giấy tờ có giá phải được quản lý như tiền. Các đơn vị phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán bắt buộc theo quy định của Bộ Tài chính và không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ kế toán đã quy định. Ngoài ra, Thông tưcũng quy định cụ thể về sổ kế toán như sau: mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống sổ kế toán để ghi chép, hệ thống và lưu trữ toàn bộ nghiệp vụ tài chính đã phát sinh trong một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tùy theo hình thức kế toán áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự, phương thức ghi chép với từng loại sổ kế toán. Thông tư số 79/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
18. Ngày 27/11/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2019/TT-BTC về việc quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và nội dung, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người
Theo đó, nạn nhân của tội phạm mua bán người được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, trợ cấp khó khăn ban đầu như sau: Thứ nhất, hỗ trợ tiền ăn trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo mức hỗ trợ đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội. Thời gian hỗ trợ không quá 03 tháng theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Thứ hai, hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả, mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông. Trường hợp nạn nhân là người chưa thành niên, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bố trí cán bộ đưa nạn nhân về nơi cư trú bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận và phù hợp với giá cả trên địa bàn cùng thời điểm. Tiền ăn trong những ngày đi đường tối thiểu 70.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, chi hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú mức tối thiểu là 01 triệu đồng/người (hộ nghèo được hỗ trợ là hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập).
Thông tư số 84/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
19. Ngày 15/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BKHCN về việc quy định tiêu chí xác định sản phẩm, thiết bị sử dụng nước tiết kiệm
Theo đó, sản phẩm, thiết bị được coi là sử dụng tiết kiệm nước nếu tính năng của nó bảo đảm mục đích sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và cấp hiệu quả sử dụng nước phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia tương ứng được Bộ Khoa học Công nghệ công bố. Hiệu quả sử dụng nước được chia làm 03 cấp tăng dần từ 1-3, cấp 1 là cấp có hiệu quả sử dụng và mức tiết kiệm nước thấp nhất. Việc sử dụng nhãn tiết kiệm nước trên các sản phẩm, thiết bị sử dụng nước tiết kiệm được Nhà nước khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, trên nhãn phải có đầy đủ thông tin về số chứng nhận và ký hiệu về cấp hiệu quả sử dụng nước của sản phẩm. Nhãn tiết kiệm nước có thể gắn trực tiếp trên sản phẩm hoặc trên bao bì, tài liệu hướng dẫn với kích thước tùy chọn, bảo đảm không gây nhầm lẫn hoặc che lấp thông tin về sản phẩm. Nhằm khuyến khích việc sử dụng nhãn tiết kiệm nước trên sản phẩm, Bộ Khoa học Công nghệ quy định các sản phẩm, thiết bị nhập khẩu được gắn nhãn này nếu có xuất xứ từ nước có sự thừa nhận hoặc thỏa thuận về kết quả đánh giá sự phù hợp liên quan đến nhãn tiết kiệm nước thì không cần thực hiện đánh giá sự phù hợp nữa. Thông tư số 12/2019/TT-BKHCNcó hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
20. Ngày 15/11/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 28/2019/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, nhập khẩu thuốc lá gửi báo cáo đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; phương thức khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, quy định về mẫu đơn, bảng kê đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá và mẫu Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá của Thông tư số 57/2018/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 (quy định cũ là có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Đồng thời, quy định về mẫu đơn, bảng kê đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá và mẫu Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá của Thông tư số 21/2013/TT-BCT được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2020 thay vì chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Thông tư số 28/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
21. Ngày 14/11/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
Thông tư số 21/2019/TT-NHNNđã sửa đổi quy định về địa bàn và quy mô hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, theo đó, địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân là một xã, một phường hoặc một thị trấn. Bên cạnh đó, quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu. Như vậy, từ ngày Thông tư này có hiệu lực, bãi bỏ quy định về việc xem xét chấp thuận cho quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: có tối thiểu 300 thành viên tại thời điểm đề nghị; có vốn điều lệ tối thiểu gấp 05 lần mức vốn pháp định tại thời điểm đề nghị; kinh doanh có lãi trong 02 năm liên tiếp trước năm đề nghị; có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong 02 năm liên tiếp trước năm đề nghị;…Thông tư cũng sửa đổi điều kiện, tiêu chuẩn đối với thành viên Ban kiểm soát và kiểm soát viên chuyên trách quỹ tín dụng nhân dân; điều kiện, tiêu chuẩn đối với giám đốc quỹ tín dụng nhân dân;… Thông tư số 21/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
22. Ngày 14/11/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 26/2019/TT-BCT về việc quy định biểu mẫu kê khai của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải tiến hành kê khai sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh 01 lần/năm trước ngày 15/01 kế hoạch sản xuất cả năm. Nếu có sự thay đổi nội dung kê khai, hộ gia đình, cá nhân phải cập nhật thông tin và gửi bản kê khai trước khi tiến hành sản xuất rượu. Hộ gia đình, cá nhân không có kế hoạch sản xuất năm thì phải kê khai trước mỗi lần sản xuất rượu. Thông tư số 26/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
23. Ngày 25/11/2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BTP về việc hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai có thể từ chối việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong 02 trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất, thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu trữ, cụ thể: thông tin về bên thế chấp, tài sản thế chấp được kê khai trong hợp đồng thế chấp không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận; thông tin về bên thế chấp, tài sản thế chấp được kê khai trong Phiếu yêu cầu không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận, trừ trường hợp đã khắc phục được thông tin sai trên Phiếu yêu cầu. Trường hợp thứ hai, Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự, Thừa phát lại của Văn phòng thừa phát lại có văn bản yêu cầu dừng, tạm dừng việc đăng ký thế chấp. Văn phòng đăng ký đất đai có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan có thẩm quyền tố tụng, yêu cầu dừng, tạm dừng việc đăng ký thế chấp xác định rõ thẩm quyền, các trường hợp dừng, tạm dừng đăng ký được áp dụng. Thông tư số 07/2019/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 10/01/2020.
24. Ngày 26/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 06/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên ban hành tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên. Các chứng chỉ đã cấp theo quy định tại Quyết định trên vẫn có giá trị sử dụng.
Thông tư số 20/2019/TT-BGDĐTcó hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay538
  • Tổng lượt truy cập1.616.272