Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG, TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 6/2020
Ngày 03/02/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực thi hành ngày 15/4/2020, gồm 124 điều 09 chương.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (gồm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trò chơi điện tử công cộng) và giao dịch điện tử. Theo đó, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử như sau:
I. HÀNH VI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM SỬ DỤNG DỊCH VỤ MẠNG XÃ HỘI
Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ – CP ngày 03/02/2020 quy định về các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
- Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
- Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
- Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
- Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm trên.
II. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ LƯU TRỮ, CHO THUÊ, TRUYỀN ĐƯA, CUNG CẤP, TRUY NHẬP, THU THẬP, XỬ LÝ, TRAO ĐỔI VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN
Theo quy định tại Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về các mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau:
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không chấm dứt việc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật;
- Không chấm dứt việc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác công cụ tìm kiếm đến các nguồn thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết nguồn thông tin số đó là trái pháp luật;
- Không kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của người khác lưu trữ trên môi trường mạng trong quá trình thu thập, xử lý, sử dụng thông tin khi có yêu cầu của chủ sở hữu thông tin đó;
- Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân chưa được đính chính khi có yêu cầu đính chính của chủ sở hữu thông tin đó;
- Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân khi đã có yêu cầu hủy bỏ của chủ sở hữu thông tin đó.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;
- Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
- Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
- Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;
- Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
- Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
- Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm;
- Ngăn chặn trái pháp luật việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng;
- Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào;
- Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng;
- Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
-Thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không đảm bảo bí mật thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng hoặc tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông;
- Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;
- Che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn.
6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hoặc bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 6/2020
Quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại; tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù ổn định cuộc sống; quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2020.
- Quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
Nghị định 44/2020/NĐ-CP ban hành ngày 08/04/2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu lực từ ngày 1/6/2020. Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 163 Luật Thi hành án hình sự.
- Quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng
Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/04/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng có hiệu lực từ ngày 15/06/2020. Nghị định này quy định cụ thể các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù; trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời quy định cụ thể về hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù, tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù ổn định cuộc sống.
- Quy định về quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự
Có hiệu lực từ ngày 05/06/2020, Nghị định số 59/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/05/2020 trong đó, quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự. Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự do Bộ Công an thống nhất quản lý là một bộ phận của hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự. Nghị định nêu rõ có 2 hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự gồm: 1- Qua mạng máy tính nội bộ; 2- Bằng văn bản hoặc phiếu đề nghị cung cấp. Cơ quan tham gia xây dựng, thu thập, cập nhật thông tin và duy trì cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự được quyền khai thác dữ liệu về thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cung cấp thông tin về người, pháp nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp trong cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và Luật Lưu trữ.
- Hướng dẫn mức chi xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật
Thông tư 27/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ 5/6/2020, trong đó quy định chi công lao động thuê ngoài đối với cán bộ trực tiếp xây dựng dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật mức chi tối đa là 45.000.000 đồng/01 dự thảo.
- Quy định về hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS
Có hiệu lực từ ngày 01/06/2020, Nghị định 46/2020/NĐ-CP ban hành ngày 09/04/2020 quy định về thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (Hệ thống ACTS); chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; bảo lãnh, đặt cọc và thu hồi nợ thuế hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.
- Quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai
Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ban hành ngày 20/04/2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực từ ngày 15/06/2020.Nghị định nêu rõ, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan. Không tiếp nhận những hàng hóa không được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật, các khoản viện trợ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của nhà nước và của nhân dân.
- Điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn
Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/04/2020 của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn có hiệu lực từ ngày 15/06/2020. Trong đó, quy định cụ thể về điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.
Cụ thể, sân gôn được xây dựng tại địa điểm đáp ứng các điều kiện sau: Phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan; đáp ứng điều kiện xây dựng công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu vực sân gôn; phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo...
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ VỊ TRÍ VIỆC LÀM VÀ
BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC
Ngày 01/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức (Nghị định 62). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2020 và thay thế Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức và Nghị định số 110/2015/NĐ-CP ngày 29/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức
Nghị định quy định về nguyên tắc, căn cứ, trình tự, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định và điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, biên chế công chức; áp dụng đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị định 62, có một số điểm quan trọng như sau:
- Xác định vị trí việc làm
Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức xác định vị trí việc làm cho công chức phải căn cứ vào:
1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;
2- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Vị trí việc làm được phân loại theo các tiêu chí như sau:
- Theo khối lượng công việc: Vị trí việc làm do một người đảm nhiệm, nhiều người đảm nhiệm hoặc kiêm nhiệm;
- Theo tính chất, nội dung công việc: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; hỗ trợ, phục vụ; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung như tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng…
3. Việc điều chỉnh vị trí làm việc chỉ xảy ra trong các trường hợp sau:
- Có sự thay đổi một trong các căn cứ: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ…
- Được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
4. Biên chế công chức được xác định căn cứ vào:
1- Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;
2- Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;
3- Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;
4- Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài căn cứ quy định tại điểm 1, 2, 3 trên còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
5. Việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong 2 trường hợp:
1- Cơ quan, tổ chức có thay đổi một trong các căn cứ quy định ở trên;
2- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
6. Căn cứ xác định ngạch công chức gồm:
1- Vị trí việc làm;
2- Mức độ phức tạp của công việc đối với từng vị trí việc làm;
3- Tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm.
Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan, tổ chức là tỷ lệ % công chức giữ các ngạch phù hợp với vị trí việc làm và mức độ phức tạp của công việc theo vị trí việc làm.
- Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 trên địa bàn thị xã Quảng Trị (21/03/2022)
- Những thông tin quan trọng cần biết về Nghĩa vụ công an năm 2022 (21/03/2022)
- Một số chính sách có hiệu lực thi hành từ tháng 10/2021 (21/03/2022)
- NHỮNG LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ 01/7/2020 (24/03/2022)
- TỔNG HỢP CÁC ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2020 (TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT THÁNG 11/2020) (24/03/2022)
- MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ (24/03/2022)
- Đang truy cập8
- Hôm nay690
- Tổng lượt truy cập1.824.673
- pageHolder.getStart() - 0
- pageHolder.getNumberObjects() - 3
- numberArticle - 3
- numberRelation - 0