Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị
Một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA
TRUYỀN THANH CƠ SỞ KỲ 1 THÁNG 3/2023
I. Một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý
1. Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý
Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:
- Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
- Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
- Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
- Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.
Như vậy, có thể thấy được trong các hoạt động trợ giúp pháp lý luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và phù hợp với quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Vụ việc trợ giúp pháp lý phải được hỗ trợ kịp thời, các quan điểm, ý kiến của người thực hiện trợ giúp pháp lý đảm bảo tính độc lập, không phụ thuộc vào người khác và phù hợp với tài liệu, chứng cứ, sự thật khách quan của vụ việc.
Nhiệm vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn đặt quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý lên hàng đầu. Tìm các biện pháp phù hợp với pháp luật để bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý, đảm bảo tính công bằng, chính xác trong thực thi pháp luật.
Xác định hoạt động trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của nhà nước, nhà nước đảm bảo các nguồn lực cho hoạt động, bởi vậy tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý không được phép thu tiền, lợi ích vật chất như cho, biếu, tặng quà hoặc các lợi ích khác như nâng đỡ trong công việc, tình cảm ...
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:
a) Nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:
- Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý.
- Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý.
- Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác.
- Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng;
- Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.
- Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.
b) Nghiêm cấm người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:
- Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Như vậy, các hành vi nghiêm cấm không chỉ áp dụng đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý mà còn áp dụng đối với người được trợ giúp pháp lý. Pháp luật hiện hành cũng có những quy định về chế tài xử lý khi vi phạm các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý, tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.
3. Người được trợ giúp pháp lý
Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:
1. Người có công với cách mạng.
2. Người thuộc hộ nghèo.
3. Trẻ em.
4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
b) Người nhiễm chất độc da cam;
c) Người cao tuổi;
d) Người khuyết tật;
đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
h) Người nhiễm HIV.
Để rõ hơn về điều kiện của người được trợ giúp pháp lý có khó khăn về tài chính, Điều 2 Nghị định 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/12/2017 quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.
Pháp luật quy định các đối tượng trợ giúp pháp lý cho thấy rõ nét chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các đối tượng chính sách và yếu thế trong xã hội. Qua đó góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
4. Quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý
Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:
- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này.
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh các quyền được hưởng, để đảm bảo hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả, người được trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ:
- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
- Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.
- Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.
- Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
5. Người thực hiện trợ giúp pháp lý và tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý
Điều 17, Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:
- Trợ giúp viên pháp lý:
Trợ giúp viên pháp lý phải là công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý: Có phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý; Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Quy định tiêu chuẩn của trợ giúp viên hiện nay đã đảm bảo được các điều kiện cần thiết để đáp ứng được chất lượng khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
Theo quy định này thì những luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý sẽ thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý theo sự phân công của lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý còn các luật sư trong tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý sẽ do tổ chức đó phân công.
- Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
- Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Đối với tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên trợ giúp pháp lý không được tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Với những người thực hiện trợ giúp pháp lý có trình độ, kinh nghiệm như vậy vừa thể hiện xu hướng đa dạng hóa của chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý góp phần nâng cao vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý trong xã hội.
6. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:
Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thể có Chi nhánh.
- Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, trong đó tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này.
7. Phạm vi, lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý
Điều 26, Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:
Để hoạt động trợ giúp pháp lý đi vào trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, đúng vụ việc, đúng đối tượng, tránh việc trồng chéo về thẩm quyền, đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được trợ giúp pháp lý, đảm bảo sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Luật Trợ giúp pháp lý xác định phạm vi trợ giúp pháp lý, cụ thể:
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương; vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương; vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.
- Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng.
- Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi đăng ký.
- Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Như vậy, gần hết tất cả các lĩnh vực pháp luật đều được trợ giúp pháp lý miễn phí, riêng đối với hoạt động kinh doanh thương mại do xác định hoạt động trợ giúp pháp lý là một phần trong thực hiện chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước cho nên pháp luật không cho phép thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực này.
Pháp luật cũng quy định yêu cầu trợ giúp pháp lý chỉ được thụ lý khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Đối với các yêu cầu trợ giúp pháp lý không liên quan đến người được trợ giúp pháp lý, thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền từ chối, không xem xét thụ lý giải quyết.
Luật Trợ giúp pháp lý 2017, quy định rõ hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thực hiện trong với 03 hình thức đó là: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng. So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 hiện nay đã bỏ đi các hình thức trợ giúp pháp lý như trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ.
Đối với hoạt động tham gia tố tụng Luật Trợ giúp pháp lý quy định trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng.
Từ năm 2015, với định hướng đổi mới của Bộ Tư pháp, hoạt động trợ giúp pháp lý được tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng. Việc này đã đem lại nhiều hiệu quả trong xã hội, khẳng định được vị thế, vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý trong lòng người dân. Để tăng cường công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, các ngành đã thảo luận, thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tham tố tụng.
Song song với hoạt động tham gia tố tụng người thực hiện trợ giúp pháp lý còn tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.
Hình thức trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng là việc trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý
Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:
Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, hồ sơ gồm có: Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:
Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;
Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý cho phép người được trợ giúp pháp lý có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính. Trong một số trường hợp có thể thông qua các tổ chức, cá nhân khác để nộp hồ sơ như trong trường hợp người khuyết tật, người mù chữ, trẻ em, người bị giam, giữ ... không thể tự mình yêu cầu trợ giúp pháp lý, nộp hồ sơ. Quy định này đảm bảo được mọi đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí.
II. Tìm hiểu 15 đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, công dân thuộc 15 đối tượng sau đây được trợ giúp pháp lý
1. Người có công với cách mạng
Giấy tờ chứng minh người có công với cách mạng gồm một trong các giấy
tờ sau:
- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với
cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
- Quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;
- Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà mẹ Việt
Nam anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;
- Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là
người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
- Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách
như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
- Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách
mạng, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.
2. Người thuộc hộ nghèo
Giấy tờ chứng minh người thuộc hộ nghèo là giấy chứng nhận hộ nghèo.
3. Trẻ em
Giấy tờ chứng minh là trẻ em gồm một trong các giấy tờ sau: Giấy khai
sinh, căn cước công dân, hộ chiếu; Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu TGPL là trẻ em; Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính xác định người có yêu cầu TGPL là trẻ em.
4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gồm một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó; Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó.
5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
Giấy tờ chứng minh người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo
Giấy tờ chứng minh là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo gồm các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận hộ cận nghèo và văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội.
7. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người
có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính gồm các giấy
tờ sau: Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, kèm theo: Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về trợ cấp ưu đãi, trợ cấp tiền tuất đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ hoặc Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, Bằng tổ quốc ghi công có tên liệt sỹ kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân với liệt sỹ.
8. Người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài
chính gồm các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, kèm theo: Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc Giấy chứng nhận bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học.
9. Người cao tuổi có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là người cao tuổi có khó khăn về tài chính gồm một
trong các loại giấy tờ sau: Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết
định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội; Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên trong giấy là người cao tuổi.
10. Người khuyết tật có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là người khuyết tật có khó khăn về tài chính gồm một
trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo Giấy chứng
nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp; Quyết định hưởng trợ cấp xã hội
hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội.
11. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong
vụ án hình sự có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận hộ
cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp
nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, kèm theo: Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là bị hại và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
12. Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:
- Quyết định tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình vào nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội. Hoặc:
- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo một trong các loại giấy tờ: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra; Quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; Quyết định xử lý vi phạm hành chính với người có hành vi bạo lực gia đình.
13. Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật
Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, kèm theo: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
14. Người bị nhiễm HIV có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính gồm các
giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, kèm theo: Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người nhiễm HIV.
Ngoài ra, các loại giấy tờ hợp pháp khác do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định được người thuộc diện TGPL theo quy định của pháp luật TGPL cũng được coi là một trong những loại giấy tờ chứng minh thuộc diện TGPL. Trong trường hợp những người thuộc diện được TGPL bị thất lạc các giấy tờ nêu trên thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy tờ đó.
15. Công dân của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 3 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ký kết ngày 19/10/1998.
- V/V TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (Sửa đổi) (18/02/2023)
- TỪ NGÀY 01/01/2023, SỔ HỘ KHẨU HẾT GIÁ TRỊ SỬ DỤNG (16/01/2023)
- LOẠI PHÁO HOA NGƯỜI DÂN ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG NHÂN DỊP TẾT 2023 (16/01/2023)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 01/2023 (21/03/2024)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 01/2023 (16/01/2023)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 12 KỲ 2 NĂM 2022 (22/12/2022)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 12 KỲ 1 NĂM 2022 (22/12/2022)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 11 KỲ 2 NĂM 2022 (22/12/2022)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 11 KỲ 1 NĂM 2022 (22/12/2022)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 10 KỲ 1 NĂM 2022 (22/12/2022)
- Đang truy cập4
- Hôm nay260
- Tổng lượt truy cập1.821.740
- pageHolder.getStart() - 0
- pageHolder.getNumberObjects() - 3
- numberArticle - 3
- numberRelation - 0