Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Tài liệu giới thiệu Luật Tài nguyên nước số 23/2023/QH15

Post date: 17/07/2024

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (sau đây gọi là Luật Tài nguyên nước năm 2023), thay thế Luật Tài nguyên nước năm 2012.

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU

LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC SỐ 28/2023/QH15

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (sau đây gọi là Luật Tài nguyên nước năm 2023), thay thế Luật Tài nguyên nước năm 2012.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC NĂM 2023

1. Cơ sở thực tiễn

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân phối tài nguyên nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước; một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh. 

2. Cơ sở chính trị, pháp lý

a) Hiến pháp năm 2013 quy định tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

b) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên”.

c) Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

d) Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

đ) Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

e) Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Như vậy, cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC NĂM 2023

1. Quan điểm

a) Thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý.

b) Quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

c) Kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp.

d) Thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước.

đ) Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

e) Giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn; luật hóa các quy định đã được thực tiễn khẳng định phù hợp.

g) Phát triển kinh tế nước, coi nước là hàng hóa thiết yếu; bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn nước.

h) Tiếp cận theo xu thế của quốc tế có tính đến đặc thù của Việt Nam; tích hợp các nội dung liên quan đến tài nguyên nước; đồng thời, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được quy định tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước.

2. Mục tiêu

a) Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước để khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

b) Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số.

c) Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế.

III. BỐ CỤC, NỘI DUNG LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC NĂM 2023

1. Phạm vi điều chỉnh của Luật

Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nước dưới đất dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

2. Bố cục, nội dung cơ bản của Luật

Luật Tài nguyên nước năm 2023 gồm 10 chương và 86 điều, cụ thể như sau:

- Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về: phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; chính sách của nhà nước về tài nguyên nước; phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; những hành vi bị nghiêm cấm.

- Chương II. Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch về tài nguyên nước, gồm 12 điều (từ Điều 9 đến Điều 20), chia làm 02 Mục, quy định về: hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; chiến lược tài nguyên nước quốc gia; quy hoạch về tài nguyên nước; căn cứ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nguyên tắc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nội dung của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.

- Chương III. Bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, gồm 14 điều (từ Điều 21 đến Điều 34), quy định về: bảo vệ nguồn nước mặt; chức năng nguồn nước; hành lang bảo vệ nguồn nước; dòng chảy tối thiểu; bảo đảm lưu thông của dòng chảy; bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác; bảo vệ nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; ngưỡng khai thác nước dưới đất; bảo vệ nước dưới đất; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; phòng, chống ô nhiễm nước biển; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

- Chương IV. Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước, gồm 26 điều (từ Điều 35 đến Điều 60), chia làm 04 Mục, quy định về: điều hòa, phân phối tài nguyên nước; điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước; chuyển nước lưu vực sông; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; gây mưa nhân tạo; quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp; khai thác tài nguyên nước cho thủy điện; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản và mục đích khác; sử dụng nguồn nước cho giao thông thủy; sử dụng nguồn nước cho các mục đích khác; đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa; quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước; quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; nguyên tắc đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; căn cứ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; điều kiện cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả; sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

- Chương V. Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, gồm 06 điều (từ Điều 61 đến Điều 66), quy định về: trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; phòng, chống và khắc phục tác hại của nước do thiên tai gây ra; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt, lún đất; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.

- Chương VI. Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, gồm 08 điều (từ Điều 67 đến Điều 74), quy định về: nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước; thuế, phí về tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; dịch vụ về tài nguyên nước; hạch toán tài nguyên nước; nguồn lực cho quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước.

- Chương VII. Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, gồm 04 điều (từ Điều 75 đến Điều 78), quy định về: nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; nội dung hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia; giải quyết tranh chấp, bất đồng về nguồn nước liên quốc gia.

- Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, gồm 03 điều (từ Điều 79 đến Điều 81), quy định về: trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp; điều phối, giám sát hoạt động bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

- Chương IX. Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước, gồm 02 điều (Điều 82 và Điều 83), quy định về: thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

- Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 84 đến Điều 86), quy định về: sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến tài nguyên nước; hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.

3. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật

Luật Tài nguyên nước năm 2023 được xây dựng tập trung vào 04 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua, gồm:

(i) Bảo đảm an ninh nguồn nước

(ii) Xã hội hóa ngành nước

(iii) Kinh tế tài nguyên nước

(iv) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật Tài nguyên nước năm 2023, gồm:

3.1. Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước

Các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.

Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

a) Điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những điểm mới, cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước, trong đó quy định cụ thể: việc xây dựng kịch bản nguồn nước; hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước bằng hệ thống hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực; việc xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và các biện pháp ứng phó, khắc phục khi tình trạng thiếu nước xảy ra.

b) Quy định cụ thể các trường hợp phải xác định dòng chảy tối thiểu; nguyên tắc, căn cứ và trách nhiệm xác định, công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất.

c) Bổ sung các quy định về ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước; tận dụng các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ, tạo cảnh quan sinh thái, phòng, chống ngập lụt, cấp nước dự phòng.

d) Quy định rõ nội dung về quy hoạch tổng hợp lưu vực sông để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,… tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực. Trong đó, nhấn mạnh việc phân bổ tài nguyên nước tuân thủ theo quy hoạch, kịch bản nguồn nước.

3.2. Sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ tài nguyên nước                

 a) Quy định chức năng nguồn nước là một trong các căn cứ để lựa chọn các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; để xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho các dự án có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước.

b) Bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt: bổ sung quy định giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng; Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng.

c) Bổ sung các quy định cụ thể, chính sách để tăng cường việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đặc biệt là các dòng sông “chết”, cụ thể đã quy định rõ cơ chế, chương trình, đề tài, dự án, cơ chế chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

d) Quy định cụ thể về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp để giảm thiểu tình trạng ngập úng đô thị, tăng khả năng tích trữ nước.

3.3. Sửa đổi, bổ sung các quy định về khai thác, sử dụng nước

Bổ sung một số quy định về phân công rõ trách nhiệm cho các Bộ, địa phương trong khai thác nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện; bổ sung thêm một số quy định về tuần hoàn, tái sử dụng nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước.

3.4. Bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước

Bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa. Quy định chính sách ưu tiên, khuyến khích thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm theo hình thức xã hội hóa.

3.5. Bổ sung các quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế

Quy định rõ các chính sách về thuế, phí tài nguyên nước, hạch toán tài nguyên nước để phản ánh đúng, đủ giá trị của tài nguyên nước làm nguyên tắc định hướng khi sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thuế, phí. Bổ sung quy định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của người sử dụng nước (bổ sung thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nước sinh hoạt và thu tiền cấp quyền khai thác theo lộ trình đối với sản xuất nông nghiệp).

3.6. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước

Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành về tài nguyên nước nhằm phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

IV. ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC THI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC NĂM 2023

Nguồn kinh phí để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 được phân bổ cho các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực huy động hợp pháp khác.

Nguồn nhân lực cần được tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ để phù hợp với việc hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên nước. Đồng thời, nhân lực lĩnh vực quản lý tài nguyên nước từ trung ương đến địa phương cần bố trí đảm bảo đáp ứng với yêu cầu thực tế quản lý tài nguyên nước hiện nay và trong tương lai trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng lớn tác động mạnh mẽ đến các nguồn nước.

Để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong công tác quản lý tài nguyên nước cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất như hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước, trang thiết bị, máy móc, các phần mềm tính toán phục vụ công tác quan trắc, giám sát, đánh giá, dự báo về tài nguyên nước.

V. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC NĂM 2023 ĐẾN NGƯỜI DÂN VÀ XÃ HỘI, NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI THỰC HIỆN

1. Dự báo tác động chính sách

Các quy định sửa đổi, bổ sung tại Luật Tài nguyên nước năm 2023 là điều kiện thuận lợi để hệ thống pháp luật được hoàn chỉnh, thống nhất và thuận lợi khi triển khai. Các quy định tại Luật Tài nguyên nước năm 2023 không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và không mở rộng bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở trung ương và địa phương. Các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên nước, tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đồng thời đảm bảo an ninh nguồn nước, chủ động được nguồn nước để phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội một cách công bằng, hiệu quả. Thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước. Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tài nguyên nước, từ đó sử dụng nước tiết kiệm hơn, có ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên nước.

Đối với doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về giá trị sử dụng nước trong kinh doanh sản xuất, từ đó nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Doanh nghiệp có cơ hội đổi mới, phát triển và ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước thân thiện môi trường. Doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ tiên tiến có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp khác. Tạo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào các hoạt động đầu tư cho tài nguyên nước, được hưởng lợi nhuận từ hoạt động này cũng như các ưu đãi khi tham gia.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách xã hội hóa liên quan đến tài nguyên nước, về ưu đãi đối với hoạt động bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước và nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong Luật Tài nguyên nước năm 2023 sẽ làm phát sinh sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, đây cũng là điều kiện thuận lợi để hệ thống pháp luật được hoàn chỉnh, thống nhất và thuận lợi khi triển khai thực hiện.

2. Những điều cần lưu ý khi thực hiện

a) Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, ngoại trừ các nội dung sau:

- Việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 được thực hiện từ ngày 01/7/2025.

- Việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 được thực hiện từ ngày 01/7/2026.

b) Các quy định chuyển tiếp:

- Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép về tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép và được gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023.

- Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước để cấp cho sinh hoạt trước ngày 01/7/2024 thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và phải hoàn thành việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chậm nhất là ngày 31/12/2025.

- Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước để cấp cho nông nghiệp trước ngày 01/7/2024 mà không thuộc đối tượng nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với lượng nước cấp cho nông nghiệp đến hết thời hạn ghi trong giấy phép về tài nguyên nước.

- Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 được cấp, gia hạn giấy phép khai thác nước mặt để cấp cho nông nghiệp theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 cùng thời điểm thu tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khi Nhà nước không thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép về tài nguyên nước trước ngày 01/7/2024 nhưng chưa được cấp phép thì được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị thực hiện cấp giấy phép theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023.

- Trường hợp công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 01/01/2013 mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày 01/7/2024 thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 chậm nhất là ngày 30/6/2027.

- Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt trước ngày 01/7/2024 thì nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh được tiếp tục thực hiện đến khi hết thời hạn quy hoạch tỉnh hoặc đến khi nội dung này trong quy hoạch tỉnh được điều chỉnh.

- Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm e và điểm g khoản 5 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quansử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trước ngày 01/7/2024 thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 chậm nhất là ngày 30/6/2026.

VI. TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC NĂM 2023

1. Soạn thảo và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023, gồm:

a) Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, dự kiến trình Chính phủ tháng 4/2024.

b) Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, dự kiến trình Chính phủ tháng 4/2024.

c) Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, dự kiến trình Chính phủ tháng 12/2024.

d) Nghị định quy định việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sinh hoạt, dự kiến trình Chính phủ năm 2025.

đ) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, dự kiến trình tháng 5/2024.

e) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, dự kiến trình tháng 5/2024.

g) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất, dự kiến trình tháng 5/2024.

h) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, dự kiến trình tháng 11/2024.

i) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, dự kiến trình tháng 12/2024.

k) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định định mức kinh tế - kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước, dự kiến trình tháng 11/2024.

l) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng, dự kiến trình tháng 12/2024.

m) Các văn bản quy phạm pháp luật khác được giao trong Luật Tài nguyên nước 2023.

2. Về tổ chức phổ biến Luật

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật tại các địa phương.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương thực hiện phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho các đối tượng là cán bộ, công chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở cơ sở của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho cán bộ, công chức của các Sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã./.

Toàn văn Luật Tài nguyên nước tại đây

More

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay3
  • Tổng lượt truy cập1.900.343