Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

Tăng cường chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa và ứng phó với thiên tai cuối vụ Đông xuân 2022 -2023

16:14, Thứ Ba, 4-4-2023

Trước diễn biến khó lường của thời tiết, thực trạng sinh trưởng cây lúa và nguồn sâu bệnh hại trên đồng ruộng, để đảm bảo một vụ mùa thắng lợi, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong phương án sản xuất của ngành trong năm 2023, Phòng Kinh tế thị xã vừa có công văn đề nghị UBND các phường xã tăng cường chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa và ứng phó với thiên tai cuối vụ Đông xuân 2022 -2023.

Theo đó, Phòng Kinh tế thị xã đề nghị UBND các phường xã cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo về tình hình thời tiết cực đoan và các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây lúa từ nay đến cuối vụ để người dân biết, chủ động các giải pháp ứng phó, phòng trừ. Chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và các Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tăng cường kiểm tra đồng ruộng; kịp thời phát hiện, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, ứng phó với thiên tai và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại. Bên cạnh đó, chỉ đạo các Hợp tác xã/ tổ hợp tác tiếp tục phối hợp với Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn căn cứ tình hình thời tiết giai đoạn cuối vụ Đông Xuân 2022 - 2023, đảm bảo điều tiết nguồn nước tưới hợp lý, để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, nhất là giai đoạn trổ bông, đồng thời tiết kiệm nguồn nước để sản xuất vụ Hè thu 2023.

Vụ Đông xuân 2022 - 2023 toàn thị xã đã gieo cấy 262,06 ha lúa, đạt 100% kế hoạch. Hiện nay, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt; đang ở giai đoạn phát triển đòng – chuẩn bị trổ bông (dự kiến lúa trổ tập trung từ 05 – 15/4/2023). Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, thời gian tới là thời điểm giao mùa, có thể xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa giông, lốc tố, ... nguy cơ làm đổ ngã lúa đang ở giai đoạn trổ bông đến chín, nhất là trên các chân ruộng mật độ gieo dày, bón thừa đạm, thường xuyên giữ nước trong ruộng. Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lem lép,... làm ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.

Thực hiện: Khánh Huyền

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay1235
  • Tổng lượt truy cập1.624.487