Chi tiết tin - Thị xã Quảng Trị

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2015. TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 3/2021

13:47, Thứ Năm, 24-3-2022

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2015

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG
LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ THÁNG 3/2021

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2015
(sau đây gọi là Luật Bầu cử)

1. Nguyên tắc bầu cử
Điều 1, Luật Bầu cử quy định: việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử
Điều 2, Luật Bầu cử quy định: tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.
3. Tiêu chuẩn của người ứng cử
Điều 3, Luật Bầu cử quy định:
1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội.
2. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.
4. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri
Điều 30, Luật Bầu cử quy định:
 1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
2. Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định tại Điều 29 của Luật này.
3. Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
4. Cử tri được quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
5. Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
5. Niêm yết danh sách cử tri
Điều 32, Luật Bầu cử quy định: chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.
6. Khiếu nại về danh sách cử tri
Điều 33, Luật Bầu cử quy định: khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
7. Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
Điều 37, Luật Bầu cử quy định:  
1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người đang bị khởi tố bị can.
3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
8. Nguyên tắc bỏ phiếu
Điều 69, Luật Bầu cử quy định:
1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
2. Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
3. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
4. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
5. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
6. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
7. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
8. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

9. Thời gian bỏ phiếu
Khoản 1, Điều 71, Luật Bầu cử quy định: việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.

MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH SỐ 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN NGÀY 15/01/2021 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI – CHÍNH PHỦ- ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 – 2026
(sau đây gọi là Nghị quyết liên tịch số 09)
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ NHẤT ĐỂ THỎA THUẬN VỀ CƠ CẤU, THÀNH PHẦN, SỐ LƯỢNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
I. VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
 1. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất
Điều 1, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 02 năm 2021 đến ngày 17 tháng 02 năm 2021.
2. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
 2. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất
Điều 2, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Hội nghị cử chủ tọa trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với hội nghị hiệp thương ở trung ương) hoặc trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (đối với hội nghị hiệp thương ở địa phương) và Thư ký hội nghị.
2. Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở địa phương, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình bày dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
3. Hội nghị thảo luận để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm số dư người ứng cử, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
4. Hội nghị thông qua biên bản (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT kèm theo Nghị quyết này).
5. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
II. VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất
Điều 4, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 02 năm 2021 đến ngày 17 tháng 02 năm 2021do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất
Điều 5, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Hội nghị cử chủ tọa trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thư ký hội nghị.
2. Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trình bày dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới hoặc thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã).
3. Hội nghị thảo luận để thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), bảo đảm số dư người ứng cử, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
4. Hội nghị thông qua biên bản (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT kèm theo Nghị quyết này).
Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH SỐ 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN NGÀY 15/01/2021 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI – CHÍNH PHỦ- ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 – 2026
(sau đây gọi là Nghị quyết liên tịch số 09)
A. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ HAI ĐỂ THỎA THUẬN LẬP DANH SÁCH SƠ BỘ NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
I. VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
1. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai
Điều 17, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 3 năm 2021 đến ngày 19 tháng 3 năm 2021.
2. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở địa phương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
4. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
2. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai
Điều 18, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với hội nghị hiệp thương ở trung ương), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (đối với hội nghị hiệp thương ở địa phương) báo cáo về tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tình hình người tự ứng cử ở địa phương (nếu có).
2. Hội nghị thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội căn cứ vào các nội dung sau đây:
a) Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội;
b) Kết quả điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Kết quả thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất;
d) Hồ sơ, biên bản giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến;
đ) Ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
3. Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử (đối với hội nghị hiệp thương ở địa phương); nêu ra các vấn đề cần xác minh, làm rõ đối với những người ứng cử.
4. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và Mẫu số 05/BCĐBQH-MT kèm theo Nghị quyết này).
5. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
II. VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai
Điều 19, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở mỗi cấp được tổ chức trong thời gian từ ngày 15 tháng 3 năm 2021 đến ngày 19 tháng 3 năm 2021 do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai
Điều 20, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), tình hình người tự ứng cử (nếu có).
2. Hội nghị thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân căn cứ vào các nội dung sau đây:
a) Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Kết quả điều chỉnh của Thường trực Hội đồng nhân dân về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Kết quả thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất;
d) Hồ sơ, biên bản giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến;
đ) Ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; nêu ra các vấn đề cần xác minh, làm rõ đối với những người ứng cử.
4. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT và Mẫu số 05/BCĐBHĐND-MT kèm theo Nghị quyết này).
5. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
B. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN NHẬN XÉT VÀ TÍN NHIỆM CỦA CỬ TRI ĐỐI VỚI NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Tổ chức hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội
Điều 21, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức họp với đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú và đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri.
2. Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử cư trú do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trao đổi với cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử để tổ chức hội nghị cử tri.
3. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng 3 năm 2021 đến ngày 13 tháng 4 năm 2021 theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Chương I của Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Tổ chức hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Điều 22, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương họp với người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp (đối với cấp xã thì mời các Trưởng ban công tác Mặt trận trên địa bàn), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cư trú để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử có tên trong danh sách sơ bộ và ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có)đối với người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
2. Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử cư trú do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trao đổi với cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử để tổ chức hội nghị cử tri.
3. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện trong khoản thời gian từ ngày 21 tháng 3 năm 2021 đến ngày 13 tháng 4 năm 2021 theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và tại Chương I của Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH SỐ 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN NGÀY 15/01/2021 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI – CHÍNH PHỦ- ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 – 2026
(sau đây gọi là Nghị quyết liên tịch số 09)
 TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ BA ĐỂ LỰA CHỌN, LẬP DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI ĐỦ TIÊU CHUẨN ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
I. VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
1. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba
Điều 25, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 4 năm 2021 đến ngày 18 tháng 4 năm 2021.
2. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở địa phương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
4. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba
Điều 26, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với hội nghị hiệp thương ở trung ương), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (đối với hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh) báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
2. Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
3. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và Mẫu số 04/BCĐBQH-MT kèm theo Nghị quyết này).
4. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là ngày 23 tháng 4 năm 2021.
II. VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba
Điều 27, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 4 năm 2021 đến ngày 18 tháng 4 năm 2021 do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba
Điều 28, Nghị quyết liên tịch số 09 quy định:
1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
2. Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
3. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT và Mẫu số 05/BCĐBHĐND-MT kèm theo Nghị quyết này).
4. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là ngày 23 tháng 4 năm 2021.

 

Các tin khác

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1288
  • Tổng lượt truy cập1.624.540